Sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên khi học hết lớp 8 phổ thông, chị Hương đã phải nghỉ học ở nhà để phụ giúp bố mẹ công việc đồng áng. Năm 1999, chị kết duyên với anh Nông Văn Quyển, dân tộc Tày ở cùng thôn. Thấu hiểu được hoàn cảnh khó khăn của gia đình đông con, chị Hương đã bàn với chồng dừng lại ở 2 con để nuôi dạy cho tốt và có điều kiện cho con cái học hành đến nơi đến chốn. Do thiếu kinh nghiệm, thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật và thiếu vốn đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi, nên dù chăm chỉ làm lụng, những năm đầu, kinh tế của gia đình cũng chỉ đủ ăn. Với quyết tâm làm giàu trên chính đồng đất quê hương mình, chị Hương đã tích cực tham gia sinh hoạt hội phụ nữ để được học hỏi và trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, chăn nuôi cũng như trong cuộc sống. Vẫn là đồng đất đấy, nhưng thay vì trồng ngô, trồng sắn, anh chị đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng mía nguyên liệu và đưa giống ngô lai vào trồng, bình quân mỗi vụ, thu từ 70 đến 80 tấn mía; trên 1,7 tấn ngô hạt. Đồng thời, đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi theo hướng kép kín, duy trì mỗi lứa 10 đến 15 con lợn và hàng trăm con gia cầm các loại.
Chị Giàng Thị Hương, dân tộc Mông ở thôn Nà Thoi, xã Xuân Quang |
Gia đình anh chị còn mua máy xay sát, máy cày để phục vụ cho sản xuất, chăn nuôi. Bình quân một năm, sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình chị Hương có thu nhập khoảng 120 triệu đồng. Chị Hương cũng là người phụ nữ Mông đầu tiên ở Xuân Quang tự xây dựng được nhà kiên cố với đầy đủ tiện nghi phục vụ sinh hoạt. Trong cuộc trao đổi với phóng viên, Chị Giàng Thị Hương, xã Xuân Quang, huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang cho biết: “Để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, tôi đã cùng gia đình tận dụng đất đai sẵn có, thực hiện chuyển đổi cây trồng như trồng mía, trồng ngô, kết hợp chăn nuôi lợn, gà, qua đó đã có thu nhập ổn định. Với trách nhiệm của người Đại biểu HĐND huyện, Ủy viên BCH Hội liên hiệp Phụ nữ huyện, tôi luôn tích cực tuyên truyền cho bà con người Mông cũng như đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, không nghe theo lời kẻ xấu”.
Phát huy vai trò, trách nhiệm là người đại biểu của dân, chị Hương thường xuyên tuyên truyền vận động đến đồng bào các dân tộc trong xã, nhất là bà con người Mông và hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số trong thôn, khắc phục mọi khó khăn, vươn lên trong lao động sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi đưa các loại giống mới vào thâm canh tăng vụ... Nhờ vậy, đã có nhiều gia đình hội viên phụ nữ người Mông trong thôn vươn lên thoát nghèo bền vững. Bên cạnh đó, chị còn động viên chồng con tích cực tham gia thực hiện các phong trào thi đua, góp phần phát triển kinh tế xã hội tại địa phương, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Nhiều năm liền, gia đình chị đều được công nhận gia đình văn hóa, hộ sản xuất kinh doanh giỏi ở cơ sở.
Luôn nỗ lực phấn đấu vươn lên trong cuộc sống, lao động, sản xuất, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, chị Giàng Thị Hương thật xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân và hội viên phụ nữ trong thôn, trong xã; là tấm guơng phụ nữ dân tộc thiểu số tiêu biểu để chị em học tập và làm theo. Với những thành tích đó, chị vinh dự được bầu chọn là đại biểu nữ dân tộc Mông của xã Xuân Quang tham dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Chiêm hóa lần thứ 2 năm 2014./.
Gửi phản hồi