Chị Trịnh Thị Hải, thôn Tông Lùng, xã Tân Mỹ chăm sóc đàn bò của gia đình.
Trong câu chuyện với chúng tôi, chị Hải chia sẻ, trước đây cả 2 vợ chồng đều là công nhân ở khu công nghiệp, sau khi lập gia đình anh chị trở về quê sinh sống. Sau khi sinh con gái đầu lòng, anh chị xin cha mẹ cho ra ở riêng và chuyển từ thôn Ón Cáy vào khu vực Lung Vài, khi đó là nơi được bà con trong thôn chăn thả gia súc. Ra ở riêng với nguồn vốn là con lợn nái sinh sản trị giá trên 1,5 triệu đồng được hỗ trợ, những ngày đầu cuộc sống của gia đình anh chị thực sự gặp rất nhiều khó khăn. Không cam chịu đói nghèo, với lợi thế có sẵn đồi rộng, có nguồn nước đảm bảo phù hợp với phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Với phương châm lấy ngăn nuôi dài, tích cóp dần dần, ngoài trì chăn nuôi lợn nái sinh sản, anh chị còn nuôi thêm gà, vịt, ngan, nuôi thả cá và trồng rừng. Sau hơn 10 năm năm vất vả khai phá, mô hình trang trại tổng hợp của anh Bình, chị Hải đã dần được hình thành. Có thời điểm trong chuồng gia đình anh chi duy trì chăn nuôi đến 20 con lợn nái sinh sản và đàn lợn thịt trên 100 con, đàn gia cầm trên 2.000 con gà, vịt siêu trứng. Bình quân thu nhập mỗi năm đạt từ 200 đến 300 triệu đồng. Bên cạnh đó, với lợi thế đất đồi rộng ngoài trồng keo với diện tích 5ha, anh chị còn tận dụng một số diện tích trồng cỏ nuôi bò. Đây cũng là hướng đi sẽ tiếp tục được chị duy trì phát triển trong thời gian tới.
Khởi nghiệp với đôi bàn tay trắng, sau gần 15 năm chăm chỉ làm lụng đến nay gia đình chị Trịnh Thị Hải đã xây dựng được mô hình kinh tế cho thu nhập ổn định . Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị Hải còn là một người vợ đảm đang, một người mẹ tần tảo trong gia đình. Chị cũng là một hội viên tích cực trong các phong trào do hội phụ nữ xã phát động. Tấm gương vượt khó vươn lên làm giàu của chị đã được nhiều chị em trong xã noi theo học tập, đây cũng là mô hình kinh tế tiêu biểu của Hội phụ nữ xã Tân Mỹ chọn làm mô hình điểm để cho chị em hội viên thăm qua học tập và nhân rộng./.
Gửi phản hồi