Tại hội thảo, bà Nandini Sadasivam, Khoa Huyết học, Bệnh viện Hoàng gia Manchester, đồng thời là lãnh đạo mạng lưới Thalassemia phía Bắc Anh quốc, lãnh đạo nhóm bệnh Thalassemia tại người trưởng thành, Tổ công tác quốc gia về bệnh huyết sắc tố sẽ trình bày về các vấn đề:
- Phương pháp phối hợp thải sắt với theo dõi và quản lý bệnh thalassemia.
- Liệu pháp gen và phương pháp chỉnh sửa gen trong điều trị Beta thalassemia.
- Theo dõi và điều trị huyết khối sau cắt lách
Hội thảo được tổ chức trực tuyến thông qua phần mềm Zoom từ 16h00 – 18h00, ngày 21/9/2021. Kính mời quý đồng nghiệp quan tâm, có nhu cầu tham dự Hội thảo liên hệ với Phòng Đối ngoại, Viện Huyết học – Truyền máu TW theo số điện thoại 024 3782 4258.
Theo báo cáo của Liên đoàn Thalassemia Thế giới năm 2012 (TIF – Thalassemia International Federation), có khoảng 7% dân số trên thế giới mang gen bệnh huyết sắc tố và thalassemia.Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO – World Health Organisation), bệnh huyết sắc tố (HST) ảnh hưởng tới 71% số nước trên thế giới; khoảng 7% phụ nữ có thai mang gen bệnh huyết sắc tố và khoảng 1,1% các cặp vợ chồng có nguy cơ sinh con bị mang gen bệnh. Mỗi năm có khoảng 60.000 – 70.000 trẻ em sinh ra bị bệnh thalassemia mức độ nặng. Bệnh tập trung nhiều ở vùng Địa Trung Hải, Trung Đông, Châu Á – Thái Bình Dương trong đó có Việt Nam.
Hiện nay, ở nước ta có khoảng trên 12 triệu người mang gen bệnh thalassemia và có trên 20.000 người bệnh mức độ nặng cần phải điều trị cả đời. Mỗi năm có thêm khoảng 8.000 trẻ em sinh ra bị bệnh thalassemia, trong đó có khoảng 2.000 trẻ bị bệnh mức độ nặng và khoảng 800 trẻ không thể ra đời do phù thai. Thalassemia đã và đang gây ra hậu quả nghiêm trọng đến giống nòi, gây ra hệ lụy cho đời sống của người bệnh và cộng đồng. Tuy nhiên, bệnh có thể phòng tránh được khi chúng ta có hiểu biết đầy đủ về bệnh và chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh. |
Gửi phản hồi