KẾT LUẬN CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY
về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm
trong tình hình mới
I- TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 08-CT/TW NGÀY 21/10/2011 CỦA BAN BÍ THƯ TRUNG ƯƠNG ĐẢNG
1- Kết quả đạt được
Các cấp ủy, chính quyền đã chỉ đạo phổ biến, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW ngày 21/10/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới; kịp thời thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm từ tỉnh đến cơ sở được củng cố, kiện toàn; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác an toàn thực phẩm từng bước được quan tâm đầu tư.
Sự phối hợp liên ngành trong quản lý, hướng dẫn, kiểm tra về an toàn thực phẩm từng bước được tăng cường; việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm tại tuyến tỉnh và tuyến huyện có chuyển biến. Việc đảm bảo an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, chế biến được quan tâm, một số sản phẩm đã xây dựng và bảo vệ thương hiệu trên thị trường; ngăn ngừa có hiệu quả tình trạng ngộ độc thực phẩm cấp tính trên địa bàn.
2- Hạn chế, yếu kém
Công tác tuyên truyền, giáo dục về vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được tiến hành thường xuyên. Ý thức chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm của một bộ phận người dân chưa cao; việc vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, tiêu thụ thực phẩm còn xảy ra và ngày càng phức tạp. Còn tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt; sử dụng phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y chưa đảm bảo quy trình.
Công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm còn hạn chế. Việc kiểm tra, giám sát còn thiếu chặt chẽ và chưa thường xuyên, nhất là kiểm tra việc kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật; chưa kiểm soát chuỗi sản xuất, chế biến, kinh doanh và cung ứng thực phẩm. Xử lý vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm chưa kiên quyết.
Nguồn lực đầu tư cho công tác đảm bảo an toàn thực phẩm còn hạn chế, công tác dự báo, cảnh báo và kiểm soát các nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm chưa đáp ứng yêu cầu. Việc xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm áp dụng quy chuẩn kỹ thuật về an toàn vệ sinh thực phẩm còn hạn chế.
3- Nguyên nhân
Một số cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm đúng mức tới công tác lãnh đạo, chỉ đạo bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Công tác phối hợp liên ngành trong bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm chưa thường xuyên, chặt chẽ; việc quản lý, kiểm soát các cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón, thức ăn chăn nuôi, vật tư y tế, thực phẩm chức năng còn lỏng lẻo. Cơ sở vật chất và trang thiết bị kiểm nghiệm còn thiếu và lạc hậu; nhân lực trực tiếp làm công tác an toàn thực phẩm của các đơn vị quản lý và tham gia quản lý nhà nước đối với “Chuỗi cung cấp thực phẩm” ở các cấp chưa đáp ứng yêu cầu thực tế; các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm còn nhỏ lẻ và phân tán. Một bộ phận người dân còn thiếu nhận thức và ý thức trong thực hiện vệ sinh, an toàn thực phẩm.
II- NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI VẤN ĐỀ AN TOÀN THỰC PHẨM TRONG TÌNH HÌNH MỚI
1- Nhiệm vụ trọng tâm
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 08-CT/TW ngày 21/10/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảngvề tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới; Công văn số 651-CV/TU ngày 28/02/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW ngày 21/10/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm và các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về an toàn thực phẩm.
Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân trong tỉnh đối với công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong việc giám sát, ngăn ngừa các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm.
Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm; sự phối hợp liên ngành trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm.
Đẩy mạnh xã hội hóa, tập trung huy động các nguồn lực cho công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Tăng cường liên doanh, liên kết, chuyển giao công nghệ, ứng dụng khoa học tiên tiến vào sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn.
2- Một số giải pháp chủ yếu
2.1- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an toàn thực phẩm
Các cấp ủy đảng tập trung chỉ đạo quyết liệt; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, sớm khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác an toàn vệ sinh thực phẩm. Xác định công tác lãnh đạo về an toàn thực phẩm là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, người đứng đầu địa phương, đơn vị. Chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về tầm quan trọng của an toàn thực phẩm; vận động toàn dân tự giác thực hiện các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm và tích cực đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm để không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Đưa các tiêu chí về an toàn thực phẩm vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội hằng năm để chỉ đạo thực hiện; kết quả thực hiện an toàn thực phẩm là tiêu chuẩn bình xét, đánh giá tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể, khu dân cư hằng năm; là một tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác an toàn thực phẩm; xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm.
2.2- Nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm
Kiện toàn, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm các cấp. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm về bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn và trực tiếp làm Trưởng ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm của địa phương; xử lý nghiêm tập thể, cá nhân thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, để xảy ra vi phạm về an toàn thực phẩm.
Chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia an toàn thực phẩm giai đoạn 2012 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030; định kỳ tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện, đề xuất giải pháp để thực hiện đảm bảo các mục tiêu theo kế hoạch đề ra.
Quy hoạch, xây dựng và phát triển các vùng sản xuất thực phẩm an toàn, thúc đẩy áp dụng rộng rãi mô hình VietGAP, các mô hình sản xuất an toàn khác và phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn. Xây dựng các cơ sở, điểm giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra hoạt động giết mổ và kinh doanh động vật, sản phẩm động vật. Kiểm soát, quản lý chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm vào các chợ đầu mối, chợ tự phát, chợ dân sinh, siêu thị và các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.
2.3- Đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền, giáo dục, tạo sự chuyển biến về hành vi an toàn thực phẩm
Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội chủ động phối hợp với các ngành liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Luật An toàn thực phẩm và các văn bản quy định của Trung ương, của tỉnh về an toàn thực phẩm thông qua các hình thức phù hợp với trình độ dân trí từng đối tượng, từng vùng, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tuyên truyền, vận động tới từng hộ nông dân, chủ trang trại, doanh nghiệp thực hiện các quy định và ký cam kết bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón, thức ăn chăn nuôi theo đúng quy trình; tuyên truyền về tác hại của việc sản xuất, chế biến, kinh doanh, sử dụng thực phẩm không an toàn. Các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm phải công bố quy trình bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh chủ trì, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức xã hội nghề nghiệp phát động Phong trào toàn dân thực hiện tốt công tác an toàn thực phẩm gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Phát huy vai trò của nhân dân trong việc đấu tranh, phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm.
Các cơ quan báo, đài của tỉnh tăng cường tin bài, chuyên mục, chuyên trang, chương trình về an toàn thực phẩm; kịp thời thông tin, tuyên truyền khách quan, trung thực về an toàn thực phẩm, nhất là các điển hình sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn và các vụ việc vi phạm an toàn thực phẩm. Phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện hiệu quả chương trình truyền thông về an toàn thực phẩm, chú trọng việc tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cơ sở.
2.4- Nâng cao hiệu quả phối hợp liên ngành trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm
Xây dựng quy chế phối hợp liên ngành trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại địa phương; phân công trách nhiệm cụ thể cho từng ngành đảm bảo hoạt động có hiệu quả. Tăng cường phối hợp liên ngành trong công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh hóa chất bảo vệ thực vật và các vật tư nông nghiệp, kiểm soát tồn dư hóa chất độc hại trong nông, lâm, thủy sản thực phẩm, việc giết mổ và vệ sinh thú y, vệ sinh thủy sản; ngành Công Thương tăng cường công tác quản lý thị trường, phòng chống hiệu quả việc lưu thông, kinh doanh hàng thực phẩm giả, kém chất lượng, quá hạn sử dụng, hàng thực phẩm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm; ngành Y tế chú trọng phối hợp với các địa phương giám sát, thanh tra các cơ sở dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố, quản lý chặt chẽ việc kinh doanh thực phẩm chức năng, chất bảo quản, phụ gia thực phẩm; ngành Giáo dục và Đào tạo tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các bếp ăn tập thể, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và nguồn nước sử dụng tại các trường học.
Rà soát toàn diện mạng lưới kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, thực phẩm chức năng, chất bảo quản, phụ gia thực phẩm để kịp thời đề xuất giải pháp quản lý việc kinh doanh và sử dụng đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả.
Các ngành: Y tế, Nông nghiệp, Công Thương, Giáo dục - Đào tạo, Công an và các huyện, thành phố thiết lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh về vi phạm an toàn thực phẩm, kịp thời xử lý nghiêm các vi phạm, tôn vinh, khen thưởng đối với cá nhân phát hiện và cung cấp thông tin về sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm không an toàn.
2.5- Chú trọng nguồn lực cho công tác an toàn thực phẩm
Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm các cấp; có kế hoạch sắp xếp để đảm bảo cán bộ làm công tác vệ sinh an toàn thực phẩm của các tuyến, quan tâm đến tuyến cơ sở.
Quan tâm bố trí kinh phí cho công tác quản lý, đảm bảo an toàn thực phẩm, đầu tư trang thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác kiểm tra, kiểm nghiệm, xử lý, tiêu hủy thực phẩm không an toàn. Chú trọng đầu tư thiết bị đo kiểm di động hoặc cố định tại các chợ trung tâm, tuyên truyền, hướng dẫn và giúp người dân nhận biết thực phẩm an toàn, thực phẩm không an toàn; phát huy năng lực của các trung tâm đo kiểm trên địa bàn.
2.6- Xã hội hóa công tác an toàn thực phẩm
Huy động sự tham gia của các lực lượng trong xã hội, nhất là phát huy vai trò của các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp, các tổ chức đoàn thể và nhân dân trong việc tham gia bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm. Tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, liên doanh, liên kết, chuyển giao công nghệ, ứng dụng khoa học tiên tiến vào sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn. Có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia bảo đảm an toàn thực phẩm.
III- TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1- Các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội quán triệt, phổ biến Kết luận này đến cán bộ, đảng viên và nhân dân; xây dựng chương trình hoặc kế hoạch để tổ chức thực hiện; định kỳ báo cáo kết quả thực hiện với Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
2- Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh chỉ đạo Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành chính sách khuyến khích các lực lượng trong xã hội tham gia bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; tham gia giám sát thực hiện các quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm.
3- Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện Kết luận này; định kỳ sơ kết, tổng kết, báo cáo kết quả thực hiện với Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
4- Các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình thực hiện an toàn thực phẩm ở địa bàn, lĩnh vực được phân công để kịp thời phát hiện, tháo gỡ, khắc phục khó khăn, yếu kém ngay từ cơ sở.
5- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các ban đảng Tỉnh ủy theo dõi, đôn đốc, giám sát việc triển khai thực hiện Kết luận này, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
T/M BAN THƯỜNG VỤ
BÍ THƯ
(Đã ký)
Chẩu Văn Lâm
Gửi phản hồi