Tham gia lớp sơ cấp trồng nấm tại xã Tân Mỹ có 32 học viên. Trong thời gian 3 tháng, các học viên sẽ được học 100 tiết lý thuyết và 260 tiết thực hành với những nội dung kiến thức cơ bản về kỹ thuật trồng nấm Rơm, nấm Sò, nấm Linh chi, Mộc nhĩ trên rơm, mùn cưa bao gồm: Ủ, chọn giống, cấy giống, chăm sóc và tự tổ chức trồng nấm tại hộ gia đình hoặc theo nhóm; giới thiệu các mô hình trồng nấm cho thu nhập cao. Ngoài ra các học viên còn được trang bị những kiến thức cơ bản về bảo hộ lao động, vệ sinh an toàn lao động trong nghề trồng nấm và tìm hiểu những nội dung liên quan đến việc trồng, chăm sóc, bảo quản và chế biến nấm sau thu hoạch. Từ việc học nghề, giúp cho các học viên nắm được những chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt là thành thạo về quy trình và kỹ năng trồng nấm, chủ động phòng trừ và ngăn chặn các mầm bệnh lây lan, đảm bảo cây nấm sinh trưởng và phát triển tốt.
Lãnh đạo huyện nói chuyện với các học viên của lớp sơ cấp trồng nấm K3 tại xã Tân Mỹ
Việc mở lớp trồng nấm có ý nghĩa thiết thực là tận dụng được nguồn rơm rạ, mùn cưa có sẵn nhằm giảm chi phí, tránh được ngộ độc hữu cơ khi canh tác lúa, tránh ô nhiễm môi trường do đốt rơm hoặc gây tắc nghẽ cản trở giao thông mỗi khi đến mùa vụ thu hoạch và tạo ra một quy trình khép kín trong sản xuất nông nghiệp…Ngoài ra sẽ giải quyết được việc làm cho lao động nông thôn, giúp người nông dân nâng cao thu nhập, từng bước cải thiện đời sống gia đình, góp phần phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.
Gửi phản hồi