Huyện Chiêm Hóa là địa phương đi đầu toàn tỉnh trong công tác xuất khẩu lao động. Nhiều gia đình có người thân tham gia lao động tại nước ngoài đã có cuộc sống ổn định, góp phần phát triển kinh tế, xã hội địa phương.
Bà Hà Thị Minh Quang, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, để công tác xuất khẩu lao động đạt được kết quả cao, phòng đã tham mưu với UBND huyện thành lập Ban chỉ đạo đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động. Từ đó, phân công nhiệm vụ cho các thành viên theo dõi, đôn đốc việc rà soát tại các xã, lập danh sách số lao động có nhu cầu đi làm việc tại nước ngoài. Trên cơ sở đó, giao chỉ tiêu cho các xã, thị trấn phù hợp với khả năng của từng đối tượng tham gia. Ngoài ra, để hạn chế rủi ro khi người dân tự ý đi xuất khẩu theo đường tiểu ngạch, UBND huyện đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện đúng quy trình xuất khẩu lao động, kịp thời xử lý những trường hợp, cá nhân vi phạm.
Những ngôi nhà cao tầng tại trung tâm xã Hòa Phú (Chiêm Hóa) được xây dựng có phần tiền của người đi xuất khẩu lao động gửi về.
Từ năm 2016 đến nay, toàn huyện đã có gần 150 người đi xuất khẩu lao động. Riêng năm 2017, tính đến đầu tháng 6, huyện đã có 62 lao động đi làm việc tại nước ngoài, đạt 122% kế hoạch năm. Lao động chủ yếu tham gia các công việc như: Thợ cơ khí, lắp ghép cốt pha, giúp việc, lái xe… tại các nước Nhật Bản, Đài Loan với mức lương từ 9 - 25 triệu đồng/tháng. Trong đó, nhiều lao động có thu nhập khá đã gửi tiền về nhà để gia đình có vốn phát triển kinh tế, ổn định đời sống.
Nhờ xuất khẩu lao động mà gia đình anh Lê Văn Hiếu, thôn Tham Kha, xã Trung Hòa đã có vốn để phát triển kinh tế. Năm 2016, thông qua phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện, anh Hiếu được hướng dẫn làm hồ sơ, học tiếng, đào tạo tay nghề tại Công ty cổ phần Nhân lực Thuận Thảo và sang làm việc tại Đài Loan. Công việc lái xe trong nhà máy với mức lương 12 triệu đồng/tháng, trừ chi phí sinh hoạt, mỗi tháng anh cũng tiết kiệm được khoảng 7 triệu đồng gửi về cho gia đình. Hay gia đình anh Đoàn Duy Đình, thôn Nghiêm, xã Tri Phú, nhờ vào số tiền lao động tại Nhật Bản gửi về, gia đình anh đã có vốn đầu tư làm ăn hiệu quả, vươn lên thoát nghèo.
Bên cạnh đó, các xã, thị trấn đã tạo điều kiện cho các đơn vị tuyển dụng có uy tín tổ chức các buổi tư vấn, giới thiệu việc làm lưu động giúp người dân tại các xã vùng sâu, vùng xa tiếp cận được đầy đủ thông tin của các đơn vị tuyển dụng. Ông Cầm Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Yên Nguyên cho biết, để tăng cơ hội cho người lao động đi làm việc tại nước ngoài xã đã phối hợp chặt chẽ với phòng Lao động, Thương binh và Xã hội, các cơ sở đào tạo nghề và các doanh nghiệp triển khai công việc cần thiết, đảm bảo thuận tiện, chính xác, nhanh chóng và đúng quy định của Nhà nước; kết hợp với việc khuyến khích các lao động, gia đình có lao động ở nước ngoài giới thiệu, bảo lãnh người ở địa phương đi xuất khẩu lao động. Nhờ đó, từ năm 2010 đến nay, toàn xã đã có hơn 100 lao động đi làm việc tại nước ngoài.
Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tiếp cận thị trường lao động tại địa phương, giúp người lao động trang bị đầy đủ kiến thức, ngoại ngữ, tay nghề trước khi đi xuất khẩu lao động.
Gửi phản hồi