Vào những ngày đầu tháng 5 này, chúng tôi có dịp đến thăm cựu chiến binh Nguyễn Xuân Cương, người lính Điện Biên năm xưa tại thôn Đoàn Kết, xã Trung Hòa. Dù đã ở tuổi 94, mắt đã mờ, chân đã chậm nhưng những hồi ức hào hùng chiến dịch Điện Biên Phủ Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu năm xưa ấy vẫn luôn sáng rọi trong tâm trí ông.
Ông Cương ôn lại những năm tháng chiến đấu trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Ông Cương chia sẻ, tháng 11 năm 1950 ông nhập ngũ khi vừa tròn 22 tuổi, ông được biên chế vào Tiểu đoàn 179, Quân khu II. Trước khi tham gia vào chiến dịch Điện Biên Phủ, Tiểu đoàn của ông từng tham gia tiếu phỉ ở Mường Khương, Lào Cai. Năm 1953, Tiểu đoàn của ông được bổ xung vào Sư đoàn 312 để chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông Cương cùng với đồng đội có những ngày tháng “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, song vô cùng hào hùng và oanh liệt. Trong chiến dịch này Sư đoàn của ông vinh dự được giao nhiệm vụ tiêu diệt cứ điểm Him Lam - đây cũng là đợt tiến công mở màn cho cả chiến dịch. Các trận đánh diễn ra hết sức ác liệt. Quân ta và địch giằng co nhau, có lúc mình với địch chỉ cách nhau khoảng 100 m nhưng không hề thấy mặt nhau, bởi quân ta ở dưới giao thông hào tìm đánh vào đồn địch, còn địch cũng kiên trì giữ giao thông hào của chúng, nên cuộc chiến đấu rất gay go, đêm không dám ngủ, ngày thì thức… Trong làn mưa bon lửa đạn, những người lính như ông Cương đã luôn xác định nguyện hy sinh cho tổ quốc. Cũng chính trong trận đánh này, ông đã bị thương ở đầu, mặt và chân. Ngay sau khi bị thương ông được đồng đội chuyển về tuyến sau điều trị. Những ngày sau đó, qua lời kể của những người đồng đội ông Cương được biết chính trận đánh đồi Him Lam ông được tham gia đã mở màn cho chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu trấn động địa cầu". Với những cống hiến của mình ông đã được trao tặng huân chương kháng chiến hạng nhì và huy hiệu chiến sỹ Điện Biên. 66 năm đã trôi qua, viết thương ngày nào do mảnh lựu đạn găm vào vẫn luôn đau nhức mỗi khi trái gió, trở trời, như luôn nhắc lại về ký ức một thời hoa lửa mà cả tuổi trẻ ông đã cống hiến cho Tổ quốc.
Còn với ông Nguyễn Thành Nam, lão thành cách mạng thì ký ức về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ gắn liền với sự kiện ông bị thương hỏng 1 con mắt khi tham gia chống càn ở hậu phương. Ông Nam chia sẻ, Năm 1954, lúc ấy ông là dân quân địa phương tham gia chống càn ở hậu phương, tháng 3/1954 trong một lần phối hợp cùng bộ đội địa phương chiến đấu ông bị thương và được chuyển về Bệnh viện tại Hà Nội điều trị. Tin chiến thắng Điện Biên Phủ đến với ông khi đang nằm điều trị tại bệnh viện, những cảm xúc, niềm vui chiến thắng giờ ông vẫn luôn ghi nhớ.
Chiến tranh đã đi qua từ rất lâu. Những người chiến sỹ Điện Biên năm xưa giờ đã già, nhưng ký ức về những năm tháng hào hùng của dân tộc vẫn sống mãi trong trái tim họ và dân tộc Việt Nam. Đó không chỉ là niềm tự hào, chân lý của một dân tộc yêu chuộng hòa bình, khao khát độc lập tự do mà còn là khí phách, ý chí của thế hệ cha ông để con cháu muôn đời sau noi gương, học tập./.
Gửi phản hồi