Năm 2013, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh thành lập, trở thành cầu nối giữa hội viên với cấp ủy, chính quyền các cấp và là nơi sẻ chia của tổ chức chính trị xã hội, các nhà hảo tâm, là chỗ dựa tin cậy của nạn nhân. Sau 9 năm xây dựng và phát triển, đến nay, toàn tỉnh có 7 Hội cấp huyện, 98 Hội, chi hội cấp cơ sở và 181 chi hội dưới cơ sở.
Những cựu chiến binh dù tuổi cao, sức yếu vẫn tích cực tham gia công việc của tổ chức hội. Từ mệnh lệnh trái tim người lính, họ lặng lẽ bước chân khắp các nẻo đường từ năm này sang năm khác kết nối các trái tim vì nạn nhân chất độc da cam, sẻ chia khó khăn cùng đồng đội.
CCB La Đức Can (ngoài cùng bên phải), xã Xuân Quang (Chiêm Hóa) cùng đồng đội xem lại các vật kỷ niệm thời chiến.
Cựu chiến binh Đào Xuân Chiến, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) năm nay 70 tuổi, bị thương do bom xăng và nhiễm chất độc da cam trong quá trình tham gia chiến đấu tại cánh đồng Chum (Lào). Hậu quả là 3/7 người con của ông đã bị mất do bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam. Ông Chiến làm Chi hội trưởng, rồi Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam của xã ngay từ những ngày đầu thành lập hội. 7 năm làm công tác hội, lối vào nhà hội viên mòn vết chân ông. Sau khi hoàn thành công việc gia đình, ông xuống thăm hỏi, nắm bắt tâm tư, động viên anh em; làm chứng, hỗ trợ đồng đội làm thủ tục hưởng chế độ nhiễm chất độc da cam. Hỏi ông, không có trợ cấp, sao ông không trích một ít quỹ Hội làm xăng xe, điện thoại phục vụ công việc Hội, ông bảo: “Tôi không làm được vậy, đấy là đồng tiền xương máu của đồng đội. Một đồng tôi cũng không lấy”.
Cựu chiến binh La Đức Can, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam xã Xuân Quang (Chiêm Hóa) làm “thủ lĩnh” da cam xã ngay từ những ngày đầu thành lập Hội. Ông Can chia sẻ: Hội có 31 hội viên, trong đó có 28 hội viên là nạn nhân. Đa phần các hội viên đều là thương binh, bệnh binh, trong đó có 6 hội viên có con bị nhiễm chất độc da cam. Hội đã vận động hội viên xây dựng hiệu quả Quỹ tự lập để hội viên vay vốn phát triển kinh tế, nguồn lãi tiền vay dành thăm hỏi anh em lúc ốm đau. Hiện, Quỹ tự lập của hội có 62 triệu đồng đã cho 10 hội viên vay phát triển kinh tế, bình quân 2 triệu đồng/hội viên. Đây cũng là đơn vị có nguồn Quỹ tự lập cao nhất huyện. Ngoài làm Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam của xã, cựu chiến binh La Đức Can còn làm Chi hội trưởng Cựu chiến binh thôn. Hàng ngày, ngoài việc của Hội, ông sửa chữa xe đạp, vá săm xe máy để kiếm thêm tiền phục vụ công việc của Hội.
Trong những năm tháng chiến đấu tại chiến trường Tây Nam, Cựu chiến binh Hoàng Minh Phúc, xã Hồng Lạc (Sơn Dương) bị thương, tỷ lệ mất sức lao động 78%, nhiễm chất độc da cam/dioxin. Nghỉ chế độ bệnh binh năm 1988, ông công tác ở xã với nhiều chức vụ khác nhau và hiện nay đang là Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin của xã. Từ một chi hội nhỏ có vài hội viên, đến nay Hội có 19 hội viên. Giữ vai trò cầu nối, ông thường xuyên đến các gia đình hội viên thăm hỏi, vận động hội viên tích cực phát triển kinh tế gia đình, xoa dịu nỗi đau, động viên hội viên vượt qua mặc cảm. Ngày lễ, Tết hằng năm, ông cùng BCH Hội kêu gọi các tổ chức, cá nhân ủng hộ quỹ để thăm hỏi, tặng quà hội viên.
Ông Chiến, ông Can hay ông Phúc là những Cựu chiến binh, thương binh, bệnh binh trong số hàng trăm cán bộ Hội Nạn nhân chất độc da cam cơ sở, dưới cơ sở “vác tù và hàng tổng”, thầm lặng cống hiến góp mật cho đời. Hiện nay, 100% cán bộ Hội cấp cơ sở và chi hội dưới cơ sở đều là nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin trực tiếp tại chiến trường. Trở về đời thường, họ lại tiếp tục cống hiến sức lực, tâm huyết công tác Hội, góp phần xoa dịu nỗi đau da cam. Họ thầm lặng cống hiến không chỉ sức lực mà còn tự bỏ tiền túi của mình để phục vụ công việc, hoàn toàn không có trợ cấp, hỗ trợ. Những nghĩa cử cao đẹp ấy thật đáng khâm phục và trân trọng.
Gửi phản hồi