Thôn có nhiều cái nhất
Khi nhắc về Nà Làng, ông Triệu Kim Dung, Bí thư Đảng ủy xã Phú Bình tự hào: “Nà Làng là có nhiều cái nhất: Làm đường bê tông liên thôn sớm nhất, làm cây vụ đông nhiều nhất và là thôn có hộ nghèo ít nhất”.
Thôn Nà Làng có 82 hộ dân, gồm 4 dân tộc Tày, Dao, Cao Lan và Kinh, trong đó dân tộc thiểu số chiếm gần 90%. Các hộ dân thôn Nà Làng ngoài sinh sống dọc trục đường chính liên xã, còn được rải rác theo từng khu. Năm 2009, khi Nhà nước có chương trình bê tông hóa đường giao thông nông thôn, Nà Làng là thôn đầu tiên của xã đăng ký làm đường bê tông.
Chỉ tay về một số khu dân cư có đường bê tông phẳng phiu, Bí thư Vinh kể: “Khi vừa bàn với dân về chuyện góp sức, góp tiền mua cát, sỏi làm đường, chúng tôi gặp rất nhiều ý kiến phản đối, nhưng chúng tôi vẫn không nản lòng. Cùng với việc tuyên truyền, vận động nhân dân trong mỗi cuộc họp, tối tối, tôi cùng một số đảng viên đến từng nhà dân để vận động, động viên. Sau một tháng, thôn đã bê tông hóa được 300 m đường đầu tiên”. Thành công đoạn đường đầu tiên, ông Vinh tiếp tục vận động nhân dân góp tiền, góp sức mỗi năm xây thêm một đoạn đường trong thôn. Ông bảo: “Dân trong thôn còn nghèo lắm, thu nhập chủ yếu chờ mùa vụ, không thể làm một lúc được, tôi chia nhỏ mỗi năm làm một ít”. Góp gió thành bão, đến nay, thôn Nà Làng đã bê tông hóa được 4 km đường giao thông trong thôn và đường nội đồng.
Ông Hoàng Hữu Vinh chăm sóc vườn cây của gia đình
Gia đình anh Hoàng Hướng Tiến, Phó thôn Nà Làng là điển hình về trồng rau an toàn. Anh Tiến bảo: “Sau khi Bí thư chi bộ vận động bà con toàn thôn áp dụng phương pháp trồng rau bằng phân hữu cơ, bà con đều phấn khởi và thực hiện. Vườn rau nhà tôi 100% không phân đạm và thuốc hóa học”. Nà Làng được biết đến là thôn có nhiều hộ trồng cây vụ đông và hiệu quả nhất của xã. Thôn cũng là địa chỉ tin cậy đón nhiều đoàn của huyện về tham quan, học tập kinh nghiệm trồng cây vụ 3. Hàng năm, 90% hộ trong thôn tham gia trồng cây vụ đông, với tổng diện tích hơn 10 ha, đủ các loại cây ngô lấy hạt, ngô chăn nuôi gia súc, rau, củ.
Vừa làm Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, ông Vinh còn làm Chi hội trưởng Chi hội Nông dân kiêm tổ trưởng vay vốn, ông nắm hoàn cảnh từng gia đình trong thôn. Hộ nghèo, hộ thiếu vốn phát triển kinh tế đều được ông quan tâm, tận tình giúp đỡ, tạo điều kiện vay vốn. Để giúp hộ nghèo thoát nghèo, ông phân công mỗi đảng viên phụ trách một tổ chức đoàn thể, giúp đỡ một hộ nghèo, vừa theo dõi, giúp đỡ, động viên kịp thời, tạo điều kiện để hộ nghèo vươn lên ổn định cuộc sống. Mỗi năm, thôn có hơn chục hộ nghèo được đảng viên giúp đỡ. Hàng năm thôn có 7 đến 8 hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 42 hộ năm 2016 xuống còn 25 hộ năm 2017. Đây cũng là thôn có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất của xã Phú Bình.
Làm cho dân tin
Ngôi nhà sàn người Tày 3 gian truyền thống của gia đình ông Vinh nằm lưng chừng đồi, bốn bề được bao phủ bởi những vườn cây xanh ngút ngàn. Chỉ tay ao cá trước cửa và vườn keo, ông Vinh tươi cười bảo: “Tất cả gia sản nhà tôi đấy. Hai vợ chồng già chỉ làm được vậy thôi”. Ông nói vậy, nhưng những gì tôi nhìn thấy, quả thực khâm phục vợ chồng ông. Ở cái tuổi như ông nhưng mỗi năm vợ chồng ông nuôi từ 300 - 500 con gà thịt, 3 con trâu sinh sản, trồng hơn 2 ha rừng và chuối, chăn thả cá, chưa kể làm gần 1 mẫu ruộng 2 vụ, vụ đông cấy ngô, trồng rau các loại.
Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Nà Làng, xã Phú Bình (Chiêm Hóa) Hoàng Hữu Vinh (thứ 2 từ phải sang)
trao đổi nhiệm vụ với các đảng viên trong chi bộ.
Vợ chồng ông Vinh có ba người con, hiện nay đều lập gia đình và ở riêng. Ngôi nhà sàn ông bà đang ở là trang trại vợ chồng ông phát triển kinh tế. Ông chia sẻ: “Vợ chồng tôi trước kia nhà ở ngoài mặt đường, các con cũng đều xây nhà ở ngoài đó hết. Nhưng ngoài đó đất hẹp nên vào đây mở trang trại chăn nuôi.
Đấy cô xem, nguồn nước ở đây thuận tiện cho đào ao thả cá, vườn rộng bạt ngàn, nuôi gà thịt bán”. Nhờ cần cù, chăm chỉ, tích cực đưa giống mới vào trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh tế gia đình ông phát triển ổn định, là hộ có thu nhập khá trong thôn. Noi gương Bí thư, Trưởng thôn Vinh, các đảng viên trong chi bộ cũng như bà con trong thôn tích cực tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Đến nay, 12 đảng viên trong chi bộ đều có đời sống khá.
Vợ ông Vinh từng phẫu thuật bệnh u não, bị bệnh tim nên sức khỏe yếu. Mọi việc nhà dựa chủ yếu vào ông. Sau mỗi buổi làm việc thôn, ông Vinh lại tất bật với công việc gia đình. Bà Ma Thị Đảo, vợ ông tự hào: “Ông ấy chịu khó lắm cô ạ! Đi làm việc thôn 4 đến 5 giờ chiều về, ông vẫn cầm dao lên vườn cắt cỏ, phát đồi cây. Nhiều lúc thương ông vất vả, tôi khuyên ông nghỉ mà ông không chịu”.
Ông Vinh bảo: “Mình phải làm thì dân mới tin, chứ vận động suông sao được. Bà con cần mình, mình vẫn phải cố gắng”. Nói về Bí thư Vinh, Phó thôn Hoàng Hướng Tiến cho biết: “Bác Vinh gương mẫu, trách nhiệm, quan tâm bà con lắm! Khi thôn có việc, chưa bao giờ bác vắng mặt. Trong công việc, bác không chỉ tay năm ngón, mà là người cầm cuốc, cầm dao cùng bà con làm từ đầu đến cuối. Vì vậy, chúng tôi rất tâm phục bác”.
Với ý nghĩ “dân cần, mình cố gắng hết sức”, thấm thoát đã nửa đời người, ông Vinh cống hiến sức mình cho Đảng, cho dân, trong đó có 23 năm làm Trưởng thôn, rồi Bí thư Chi bộ, rồi lại Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn. Nhìn nét mặt rạng ngời niềm vui của ông Vinh, tôi thấy trong ông tràn đầy năng lượng cho hành trình tiếp tục phấn đấu, đưa thôn Nà Làng phát triển đi lên.
Gửi phản hồi