Từ niềm đam mê...
Ông Đặng Văn Thịnh sinh ra trong một gia đình người Dao tiền nghèo, song bố mẹ cũng cố gắng cho học hết lớp 7/10. Có tý chữ, ông được bà con trong thôn nhờ mọi việc đơn từ. Nhanh nhẹn, hoạt bát, trung thực, vì cộng đồng nên bà con đề nghị bầu ông làm công an viên của thôn, được kết nạp vào Đảng. Bao nhiêu năm làm công an viên, ông thông thuộc địa bàn, hiểu rõ từng nhà.
Càng đi ông càng thấy bản sắc người Dao mình tuyệt vời quá, nhưng việc quảng bá nó ra bên ngoài rất ít. Qua thu hoạch mùa màng cả một năm trời, ông Thịnh gom góp được ít tiền xuống thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa) chọn mua một chiếc điện thoại OPPO vừa tiền. Chiếc điện thoại không chỉ giúp ông trong công việc, mà còn là thiết bị duy nhất giúp ông ghi lại những khoảnh khắc bản sắc của người Dao.
Ngoài chụp ảnh, ông còn bập bẹ quay video các lễ cấp sắc, hát Páo dung, múa màng, đám cưới, lễ vào nhà mới. Năm 2006 ông quyết định “khăn gói quả mướp” xuống Hà Nội học nghề chụp ảnh, quay video. Hai năm trời công việc thường xuyên của ông là cầm túi máy ảnh, vác chân máy quay cho đoàn. Lúc rỗi ông mới được các thầy cho chụp tập, quay tập, chỉ bảo tận tình.
Ông Đặng Văn Thịnh tham gia Lễ hội Bàn Vương tại Hà Nội.
Có kiến thức, ông Đặng Văn Thịnh trở về bản làng của mình. Do gia đình không có điều kiện ông vẫn phải dùng chiếc điện thoại cũ để chụp ảnh, làm video, kinh nghiệm học được có phần bị mai một. Năm 2020 ông bán trâu gom tiền mới mua được một chiếc máy ảnh Nikon D90 kèm ống kính đa dụng loại cũ dưới Hà Nội. Chiếc máy ảnh quý giá này đã giúp ông Thịnh chụp ảnh, quay rất nhiều video về phong tục, tập quán của người Dao. Để quảng bá văn hóa của dân tộc mình ra bên ngoài ông tiếp tục đi học một lớp làm Youtube, biên tập, lồng tiếng, bắn chữ, nhạc cho video. Kênh Youtube Đặng Thịnh Vlog chuyên giới thiệu về bản sắc người Dao ra đời. Qua gần 2 năm đăng tải những bức ảnh, video đầu tiên vừa giản dị, vừa lạ lẫm, vừa độc đáo đã giúp ông có trên 2.000 người theo dõi kênh.
Nhiều người biết ông Thịnh có năng khiếu, tâm huyết với văn hóa của cha ông nên có việc gì quan trọng đều gọi ông đến chụp ảnh, quay video quảng bá văn hóa Dao. Như Đại hội Câu lạc bộ bảo tồn văn hóa Dao xã Yên Nguyên; khôi phục nghề thêu ở thôn Bản Ba, xã Trung Hà; kỹ thuật trồng lúa nương của người Dao xã Phú Bình (Chiêm Hóa); gặp mặt các dòng họ Dao tại Ba Chẽ tỉnh Quảng Ninh, hội ngộ người Dao toàn quốc tại Hà Nội... Vừa rồi ông Đặng Văn Thịnh còn sắm thêm được cả flycam, quay được khung cảnh bản làng người Dao từ trên cao. Ông thuần thục biên tập, đăng video ngay trên điện thoại thông minh. Trung bình mỗi ngày xuất bản được 1 đến 2 video về bản sắc người Dao cho kênh youtube của mình. Video của ông tập trung quay về lễ cấp sắc của người Dao, hát Páo dung, múa màng, nghề thêu, dệt vải, ẩm thực, kiến trúc nhà ở của người Dao. Không những chỉ Dao tiền mà 9 ngành Dao khác trong tỉnh.
Lễ cưới của người cháu ở xã Kiên Đài được ông Thịnh tư vấn mặc trang phục Dao, nhằm giữ hồn cốt của dân tộc.
Tiên phong bảo tồn văn hóa Dao
Vừa qua ở xã Kiên Đài (Chiêm Hóa) xuất hiện một đám cưới của chú rể Chu Văn Thọ và cô dâu Bàn Thị Tuất được dư luận quan tâm. Cả đám cưới, hai họ đều mặc lễ phục người Dao. Từ lâu lắm rồi đây có lẽ là đám cưới đầu tiên được tổ chức đúng bản sắc.
Người tư vấn, tham mưu cho lễ cưới độc đáo đó chính là ông Đặng Văn Thịnh. Vì chú rể Chu Văn Thọ là con chị gái ông Thịnh. Ngày cưới, ông Thịnh vừa sắm vai là người đại diện họ nhà trai, vừa là người trực tiếp quay phim, chụp ảnh. Bên cạnh làm quà lưu niệm cho hai cháu, ông muốn quảng bá phong tục cưới xin của người Dao tiền quê mình đến công chúng.
Đồng chí Hà Xuân Hùng, Chủ tịch UBND xã Phú Bình khẳng định, hiện nay ở địa phương đang đẩy mạnh thực hiện văn minh trong việc cưới, việc tang, bảo tồn, phát huy được văn hóa các dân tộc. Ở địa phương, ông Thịnh không chỉ là một công an viên năng nổ, mà còn rất tích cực cổ vũ người dân bảo tồn, phát huy bản sắc người Dao. Như việc tiên phong khôi phục mặc trang phục trong nghi lễ đám cưới người Dao ở xã Kiên Đài vừa rồi là một việc làm rất cụ thể và đáng trân trọng.
Những hình ảnh đời thường ý nghĩa mà ông Thịnh ghi lại.
Ông Bàn Công Hiến, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) trưởng ngành Dao tiền của tỉnh cho biết, ông Đặng Văn Thịnh rất tâm huyết với văn hóa dân tộc Dao. Ở ông có nhiều thế mạnh mà không ai có, đó là việc ông chính là người Dao, hiểu rõ bản sắc, văn hóa, phong tục, tập quán của người dân tộc mình. Ông Thịnh cũng là người kiên trì, tự học hỏi, biến thế mạnh của thiết bị, công nghệ thông tin, mạng xã hội để quảng bá văn hóa người Dao. Ngoài báo, đài là kênh thông tin giao lưu hữu ích. Ông Hiến chia sẻ, văn hóa người Dao nếu cứ để tự nhiên, thì sẽ chỉ “ngủ yên”, khó hội nhập và phát triển được. Hiện nay tỉnh có một Câu lạc bộ Bảo tồn văn hóa dân tộc Dao đang tích cực làm chuyện đó. Trong 9 ngành Dao thì mỗi ngành bầu ra một trưởng ngành. Nếu các ngành Dao mà có những con người tâm huyết như ông Đặng Văn Thịnh, sức lan tỏa của văn hóa Dao rất có sức nặng.
Do làm chủ kênh Youtube có nhiều người Dao theo dõi, tương tác, ông Đặng Văn Thịnh còn làm cầu nối cho những chuyến hàng từ thiện cho trẻ em Dao khó khăn ở địa phương. Mới đây một gia đình người Dao ở xã Trung Hà bị cháy nhà, ông đứng ra kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ. Mất nhiều thời gian, công sức, đường sá xa xôi, ông Thịnh không nề hà. Ông bảo mình làm Youtube không phải vì thu nhập, mà vì yêu quý, muốn lan tỏa bản sắc Dao ra công chúng.
Thời gian làm công an viên, ông còn tham gia Ban quản lý công trình thủy lợi của xã, tổ tiết kiệm vay vốn, đồng thời phát triển kinh tế VACR của gia đình thêm vững mạnh. Có thời gian rảnh rỗi ông lại lao vào niềm đam mê bất tận là chụp ảnh, làm video về bản sắc người Dao cho kênh youtube yêu thích của mình. Ông Nguyễn Ngọc Hồ, Bí thư chi bộ thôn Bó Héo tự hào khẳng định: “Đồng chí Đặng Văn Thịnh chính là người con của bản Dao chúng tôi”.
Gửi phản hồi