Xổ số trực tuyến kiên giang - Nền tảng xổ số trực tuyến uy tín

“Người dẫn đường” bản Mông

Đến Khuôn Làn, nhắc đến “trưởng thôn đa nghề” Lý Văn Sài, chẳng ai là không biết. Anh Sài không chỉ là một cán bộ thôn nhiệt tình, trách nhiệm, khéo vận động bà con, anh còn là “người dẫn đường” của làng Mông trong phát triển kinh tế, vượt khó làm giàu.

Nỗ lực vì Nhân dân

Sau 3 lần liên lạc, tôi cũng được anh Lý Văn Sài, Trưởng thôn Khuôn Làn, xã Tri Phú (Chiêm Hóa) cho một cái hẹn. Ấy thế mà hôm tôi đến, vẫn phải ngồi đợi 2 giờ đồng hồ vì anh còn đang dở việc, bận đưa đoàn Kiểm lâm, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện đi khảo sát diện tích đất lâm nghiệp, rồi đưa đoàn của xã đi kiểm tra công trình nước sạch. Ngồi đợi cùng tôi tại nhà Trưởng thôn Sài có anh Cường, cán bộ văn hóa xã cũng vào gặp trưởng thôn để chuẩn bị cho việc thành lập Câu lạc bộ Giữ gìn văn hóa dân tộc Mông thôn Khuôn Làn. Anh Cường bảo: “Anh Sài bận lắm, không biết có gặp được không, vì tí xong việc này, anh ấy phải ra làm việc với ngân hàng huyện chắc quá trưa mới về”.

Anh Lý Văn Sài.

Ngồi trò chuyện một lúc, anh Sài cùng đoàn cũng về đến nơi.

Gặp anh, tôi ấn tượng về người đàn ông nước da bánh mật, rắn rỏi với nụ cười hiền đúng chất trai bản Mông. Tay vừa lau mồ hôi dính bết trên trán, anh vừa nói: “Xin lỗi cô nhé, hôm nay hẹn cô mà nhiều việc quá. Hiện thôn đang làm đường giao thông, nước sạch, quy hoạch lại khu dân cư nên rất nhiều việc phải làm”.

39 tuổi, anh Sài có ngót 10 năm giữ chức Trưởng thôn Khuôn Làn. Thôn từng được ví “thâm sơn cùng cốc” với nhiều cái không: không đường, không điện, không sóng điện thoại. Trước kia, mỗi khi nhắc đến Khuôn Làn nhiều người rùng mình. Bởi, đường vào thôn là con đường mòn và phải tay lái “cứng” mới đi được, ngày mưa muốn vào thôn chỉ cách duy nhất là cuốc bộ.

Với vai trò là người “đứng mũi chịu sào”, ngoài việc đưa những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân, anh Sài tích cực tuyên truyền, vận động bà con trong thôn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Anh vận động bà con chuyển diện tích cây tạp sang trồng ngô, cấy lúa, trồng cam, bưởi; đầu tư trồng cỏ để chăn nuôi trâu, bò vỗ béo, sinh sản...

Không chỉ là Trưởng thôn, anh Sài còn là nhân viên y tế thôn bản, tổ trưởng tổ tiết kiệm vay vốn thôn Khuôn Làn. Với đặc thù thôn có 100% đồng bào dân tộc Mông, phong tục tập quán còn nhiều lạc hậu, để đồng bào tin và làm theo mình, anh Sài và gia đình chủ động thực hiện trước. Khi có người thân qua đời, anh không để trong nhà nhiều ngày, không giết mổ nhiều gia súc, gia cầm, cúng bái linh đình; trong nhà có ai ốm đau, anh đều đưa đến cơ sở y tế để thăm khám, điều trị chứ không mời thầy về cúng; con cháu đều được đến trường, đến lớp học cái chữ...

Những lời nói và việc làm của anh Sài dần dần thấm vào người dân, để rồi đến nay những hủ tục, tập quán lạc hậu không còn hiện hữu trong đời sống của đồng bào Mông nơi đây. Khi có người chết, các gia đình tổ chức tang lễ không quá 48 giờ; con em đến tuổi đi học đều được cắp sách tới trường. Trong thôn hiện đã có con em học hết cao đẳng, đại học và làm việc tại các cơ quan, doanh nghiệp.

Có thể nói, cán bộ thôn ở vùng xuôi đã khó, làm cán bộ thôn ở vùng đặc biệt khó khăn còn khó trăm bề. Anh Sài chia sẻ: “Trước kia, mỗi lần họp thôn, sinh hoạt nhóm, tôi toàn phải chạy đến từng nhà thông báo. Thế nhưng, đến giờ họp vẫn không đủ số lượng, thôn có người đi người không. Thậm chí có hôm hẹn bà con đến nhà vận động, bà con “bỏ bom” lên nương làm rẫy”. Khó khăn là thế nhưng chưa bao giờ thấy anh Sài nản chí. Ngày ngày anh vẫn lên xã, xuống đồng cùng bà con, vận động bà con tích cực lao động sản xuất, làm cầu nối đưa tâm tư, nguyện vọng chính đáng của bà con Nhân dân đến với cấp ủy, chính quyền các cấp. Đến nay, thôn Khuôn Làn đã có điện lưới quốc gia, có đường bê tông đến trung tâm, sóng điện thoại bao phủ cả làng.

Dạo bước trên con đường bê tông thẳng tắp, thông thoáng, Trưởng thôn Lý Văn Sài phấn khởi nói, con đường này chạy qua 60/68 hộ dân trong thôn, người dân chủ động hiến gần 3.000 m2 đất để làm đường, nhiều hộ còn di dời một phần nhà cửa… Người Mông Khuôn Làn hôm nay đã đổi thay tư duy, nếp nghĩ, các phong trào xây dựng nông thôn mới luôn được hưởng ứng nhiệt tình.

Anh Lý Văn Sài (thứ 3 từ trái sang) làm việc cùng cán bộ kiểm lâm, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện.

“Trưởng thôn đa nghề”

Khi được hỏi bí quyết để bà con “ưng cái bụng” và tin theo chủ trương, đường lối của của Đảng, Nhà nước, Trưởng thôn Lý Văn Sài cười hiền: “Cứ người thật việc thật mà làm thì dân bản tin thôi. Muốn vậy thì cán bộ, đảng viên và gia đình đảng viên phải gương mẫu đi đầu”. Ở Tri Phú, anh Sài có tiếng là “Trưởng thôn đa nghề” với nhiều cái đi đầu. Ngoài những giờ làm việc thôn, việc dân, gia đình anh thực hiện mô hình nuôi lợn đen bán hoang dã với số lượng trên 50 con, trồng trên 1 ha rừng, 6.000 m2 đỗ đen xanh lòng. Anh còn chủ động vay vốn mua thêm máy xúc, mở cửa hàng tạp hóa phục vụ nhu cầu người dân. Noi gương anh Sài, Nhân dân trong thôn tích cực chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, đưa cây con hiệu quả kinh tế vào sản xuất. Hiện thôn có trên 30 hộ gia đình nuôi gia súc lớn với hơn 80 con trâu, bò. Toàn thôn có 15 ha cây ăn quả chủ yếu là cây cam, cây bưởi và gần đây là 6 ha cây đỗ đen xanh lòng để cung cấp cho một đơn vị chế biến tại xã Kim Bình (Chiêm Hóa).

Anh Lý Văn Sài (thứ 3 từ phải sang) làm việc cùng cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, cán bộ xã về quy hoạch đất lâm nghiệp trên địa bàn.

Chị Lý Thị Đài, người dân thôn Khuôn Làn chia sẻ: “Nó (anh Sài) giỏi lắm. Cái gì không hay không biết chúng tôi đều hỏi nó, nó đều hướng dẫn tận tình. Chúng tôi vẫn thường bảo nhau, cái gì không biết cứ xuống hỏi Trưởng thôn Sài”.

Nhận xét về Trưởng thôn Lý Văn Sài, Chủ tịch UBND xã Tri Phú Hoàng Văn Đoan cho hay: “Đồng chí Lý Văn Sài luôn nêu cao tinh thần dám nghĩ, dám làm trong mọi hoạt động từ phát triển kinh tế gia đình đến góp sức giúp người nghèo, xây dựng bản làng đổi mới. Bằng những việc làm thiết thực của mình, đồng chí Lý Văn Sài đã và đang thắp lên niềm tin thoát nghèo, là người dẫn đường giúp người Mông thôn Khuôn Làn vươn lên trên hành trình giảm nghèo bền vững”.

Theo TQTĐ

Tin cùng chuyên mục