Phần mềm tính tiền tại nhiều cửa hàng tạp hóa trên địa bàn huyện trở nên phổ biến nhất hiện nay
Chị Mai Hương, một chủ cửa hàng tạp hóa ở thị trấn Vĩnh Lộc cho biết: gắn bó với nghề kinh doanh buôn bán từ nhiều năm nay, nhưng trước đây cửa hàng nhà tôi áp dụng cách tính tiền cho khách hàng hay nhập hàng chủ yếu theo phương thức thủ công. Năm 2019, được một số nhà phân phối giới thiệu một số tính năng tích hợp trong máy tính tiền tại cửa hàng tạp hóa là rất tiện lợi, nhanh chóng, hạn chế tối đa việc sai xót, nhầm lẫn trong việc thanh toán cho khách sỉ, lẻ; nhập/xuất kho hàng nên tôi đã quyết định đưa công nghệ thông tin thương mại điện tử vào sử dụng vào hoạt động kinh doanh của cửa hàng. Từ đầu năm 2021 đến nay, tổng doanh thu của cửa hàng chị Mai Hương đạt trên 250 triệu đồng, trong đó một số mặt hàng có giá trị tiêu thụ tăng so với cùng kỳ năm 2020 chủ yếu là đồ dùng gia đình, thực phẩm đóng gói, đồ uống...
Cửa hàng sữa bột, bỉm của chị Hoàng Thị Nhung đưa máy tính tiền tích hợp vào hoạt động bán hàng từ nhiều năm nay.
Hiện tại, việc ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp các chủ cửa hàng quản lý tốt việc buôn bán, nắm bắt thông tin và chăm sóc khách hàng thường xuyên. Chị Hoàng Thị Thu Nhung, chủ cửa hàng sữa bột, bỉm ở tổ Vĩnh Giang, thị trấn Vĩnh Lộc chia sẻ: từ khi sử dụng công nghệ thông tin vào hoạt động bán hàng đã giúp cho tôi tiết kiệm được thời gian và công sức bởi các tính năng hữu ích của máy tính tiền mang lại. Cụ thể như với tính năng tính tiền in hóa đơn, thì việc đầu tiên là tôi sử dụng đầu đọc để quét mã vạch để biết tên sản phẩm và giá tiền rồi hệ thống phần mềm tính tiền sẽ ghi nhận số liệu trên đơn hàng, liên kết với máy in để in hóa đơn. Ngoài ra máy tính tiền còn hỗ trợ tôi cập nhật và thay đổi giá tiền từng loại hàng hóa với thao tác đơn giản nhất vì tiền hàng thay đổi là điều không thể tránh, giúp cho tôi, khách hàng không bán hàng nhầm giá và kiểm soát đúng số doanh thu. Đồng thời, máy tính tiền còn tích hợp tính năng quản lý hàng hóa, giúp cho những người bán hàng như tôi biết được danh mục sản phẩm ở cửa hàng, phân chia theo nhóm hàng. Có thể xem báo cáo bán hàng, thu chi chi tiết, lưu trữ thông tin hàng hóa, số lượng hàng nhập/đã bán/tồn kho.
Sử dụng máy tính tiền tích hợp đảm bảo tính chính xác, thuận lợi, nhanh chóng, giam thời gian giao dịch giữa hai bên mua và bán.
Hiện nay hầu hết tại các cửa hàng tạp hóa, đại lý lớn trên địa bàn huyện Chiêm Hóa đã và đang từng bước đưa máy tính thu ngân vào hoạt động bán hàng. Chỉ cần trang bị một máy tính là có thể tích hợp hết toàn bộ dữ liệu xuất, nhập hàng hóa, thông tin của những khách hàng mua sắm tại cửa hàng. Việc sử dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kinh doanh của nhiều cửa hàng không chỉ góp phần tiêu thụ hàng hóa thuận lợi, nhanh chóng, giam thời gian giao dịch giữa hai bên mua và bán để phòng ngừa dịch bệnh Covid-19, mà còn thúc đẩy ngành dịch vụ - thương mại Chiêm Hóa tiếp tục phát triển. Trong 7 tháng đầu 2021 tổng mức bán lẻ hàng hóa là gần 2.000 tỷ đồng, đạt 59,5% kế hoạch so với cùng kỳ năm ngoái. Có thể thấy, sử dụng phần mềm bán hàng giúp các chủ đại lý vận hành cửa hàng tốt hơn, hạn chế được những rủi ro, thất thoát không đáng có, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh./.
Gửi phản hồi