Duyên nợ với nghề
Mặc dù tuyến đường ấy tôi đã đi qua không biết bao nhiêu lần, nhưng phải đến khi anh bạn đồng nghiệp giới thiệu tôi mới biết người dân tộc Tày ở đó có nghề đục đá và được coi như nghề truyền thống. Theo chân anh Ma Ngọc Khoa, Trưởng thôn Nà Giàng đến chân núi Đá Tiên, có rất nhiều điều thú vị xung quanh nghề đục đá làm tôi muốn khám phá. Theo lời anh Khoa giới thiệu, đá ở chân núi Đá Tiên mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Nhiều người trong xã làm giàu nhờ kinh doanh các sản phẩm từ đá.
Khi được hỏi về sự ra đời của nghề đục đá, ông Ma Công Thiện, thôn Nà Trình người làm lâu năm nhất chia sẻ, không ai biết nghề đục đá có từ khi nào, chỉ biết rằng những người thợ ở đây đều tự mày mò, học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước và sự sáng tạo của bản thân để có thể duy trì và phát triển nghề. Để có thể sống được bằng nghề, đòi hỏi người thợ phải có sự kiên trì, óc thẩm mỹ và đôi bàn tay khéo léo tạo ra những sản phẩm theo đúng yêu cầu của khách hàng.
Anh Ma Văn Hải, thôn nà Trình, xã Minh Quang (Chiêm Hóa)
thực hiện công đoạn đốt đá trước khi đục tạo hình
Quy trình làm nên một sản phẩm hoàn chỉnh cần tuân thủ theo những bước nhất định. Trước tiên, người thợ phải đốt cho đá vỡ ra, thời gian đốt tùy thuộc vào kích thước của mỗi phiến đá, thông thường khoảng 2 - 3 tiếng và có phiến đá phải đốt trong vài ngày. Sau đó, từ một tảng đá thô sơ mới bắt đầu đục thành các sản phẩm như cột nhà, bộ lục bình, cối xay gạo…
Với bộ đồ nghề đơn giản chỉ gồm búa và mũi đục đủ kích thước, ông Ma Đức Đại, thôn Nà Han đã gắn bó với nghề gần 20 năm qua. Tiền công từ nghề đã giúp ông có thể lo cho gia đình và nuôi các con ăn học. Ngày công của một người thợ đục đá hiện nay dao động từ 200 - 300 nghìn đồng/ngày. Ông Đại tâm sự, ngày trước ông cũng trải qua nhiều nghề, nghề nào cũng có nỗi vất vả riêng, tuy nhiên ông lựa chọn gắn bó với nghề đục đá. Ban đầu, đối với ông đó chỉ là sự lựa chọn theo hoàn cảnh, nhưng lâu dần mỗi sản phẩm được ông làm bằng sự chau chuốt, sáng tạo và đam mê chứ không còn đơn thuần vì cơm áo, gạo tiền như lúc bắt đầu nữa.
Từ một tảng đá thô sơ, tùy theo yêu cầu của khách hàng mà người thợ dùng búa, đục rồi mài từng góc cạnh để tạo ra những đường cong mềm mại cho sản phẩm, sau đó vẽ hoa văn. Mỗi nét chạm được người thợ tỷ mỷ từng chút, từng chút một, vì mỗi tảng đá có hướng vân khác nhau nên chỉ cần sơ suất một chút đưa mũi đục không đúng hướng hoặc dùng lực quá mạnh sẽ khiến đá bị vỡ. Chính vì vậy, đây được xem là khâu quan trọng nhất để sản phẩm thô trở thành tác phẩm mang tính nghệ thuật cao.
Hướng đi đúng để phát triển
Thợ đục đá ở thôn Pù Đồn, xã Minh Quang (Chiêm Hóa) đang hoàn thiện sản phẩm. |
Hiện nay, ở xã Minh Quang có 5 tốp thợ với hơn 20 người làm nghề đục đá dưới chân núi Đá Tiên. Ngoài ra, những lúc nông nhàn số lượng người tăng lên và nhiều người vận chuyển đá về tại gia đình để làm. Ông Ma Đình Thử, thôn Nà Mè cho biết, người dân ở đây chủ yếu làm nhà sàn, nhà gỗ phải dùng trụ đá kê chân cột, những phiến đá này luôn có mặt trong tất cả những ngôi nhà sàn của người Tày, vì thế nghề đục đá ở đây rất phát triển. Ông Thử đã dành thời gian đi mua lại những phiến đá đã được đốt sẵn về nhà làm hàng cho khách đặt. Khách của ông Thử thường đặt những bộ lục bình để bày trong nhà sàn với giá khoảng 10 triệu đồng. Tổng thu nhập của ông nhờ kinh doanh các sản phẩm từ đá hàng năm cũng được trên dưới 100 triệu đồng. Hiện nay, ông đang hoàn thiện tượng đá hình cá để kịp giao cho khách dưới xuôi.
Trong khi những nghề truyền thống đang ngày bị mai một thì nghề đục đá của người Tày ở Minh Quang lại phát triển mạnh. Các sản phẩm làm ra được cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Mỗi sản phẩm đá kê chân cột có giá từ 100 nghìn đồng trở lên tùy thuộc vào kích thước, riêng các loại đục hình dáng có giá đắt hơn tùy thuộc vào độ khó của hình. Cùng với sự phát triển của xã hội, các tiêu chí của khách hàng đặt ra ngày càng cao. Từ đó, đòi hỏi người thợ đục đá phải làm ra những sản phẩm đẹp mắt, mới lạ nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng và tạo được chỗ đứng trên thị trường.
Anh Mai Văn Hải, một chủ thầu xây dựng ở Hòa Bình đang đặt hàng đá tảng kê cột nhà sàn tại đây bày tỏ, qua thông tin từ các bạn làm trong nghề xây dựng anh được biết đá tại xã Minh Quang có chất liệu và được làm với nhiều kiểu dáng, mẫu mã khác nhau. Vì vậy, anh đã tìm đến đây để xem hàng và trao đổi cụ thể. Bước đầu xem mẫu anh rất ưng và đã đặt hơn 100 sản phẩm để phục vụ cho công trình. Anh sẽ tiếp tục đặt nếu thợ ở đây đảm bảo được những yêu cầu về chất lượng và mẫu mã sản phẩm.
Nghề đục đá đang là nghề khá phát triển ở địa phương và đem lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều gia đình. Vì vậy, trong thời gian tới, xã rất mong các cơ quan liên quan quan tâm và định hướng để xã có thể tập trung phát triển nghề theo đúng quy định.
Gửi phản hồi