Những ký ức không phai…
Ngày 20-3-1940, Chi bộ Mỏ Than - Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang được thành lập tại nhà cụ Cả Kiến, tức cụ Ninh Văn Kiến - là một trong 7 đảng viên đầu tiên của Chi bộ Mỏ Than, nay thuộc tổ 12, phường Minh Xuân, thành phố Tuyên Quang. Chi bộ Mỏ Than được thành lập tạo bước ngoặt cho phong trào cách mạng ở địa phương, là tiền đề cho sự thành lập của Ban Cán sự Đảng tỉnh Tuyên Quang vào giữa năm 1941 và sau này là Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang.
Nhớ lại những năm tháng đó, ông Ninh Văn Dậu - con trai cụ Cả Kiến xúc động kể lại: ngôi nhà của gia đình ông từng là nơi liên lạc của Xứ ủy Bắc Kỳ, nơi nuôi giấu các đồng chí cán bộ của Đảng như: Đào Duy Kỳ, Trương Đình Dần..., là nơi sinh hoạt của Chi bộ Mỏ Than thời kỳ đầu sau khi thành lập. Từ đây đặt nền móng xây dựng vững chắc phong trào cách mạng, chuẩn bị mọi điều kiện tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh. Niềm tự hào ấy không chỉ riêng gia đình ông, mà còn là niềm tự hào chung của mỗi người dân nơi đây. Chi bộ Mỏ Than, địa điểm thành lập chi bộ, được ghi trong những trang sử đầu tiên của lịch sử Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang.
Ông Hoàng Ngọc - con trai cụ Hoàng Trung Nguyên, chiến sỹ giao liên đặc biệt cho Bác Hồ, kể lại những ngày được gặp Bác.
Những năm tháng vượt rừng, lội suối đi tuyên truyền nhân dân tham gia cách mạng vẫn còn đậm sâu trong ký ức bà Nguyễn Thị Cát, cán bộ tiền khởi nghĩa, tổ dân phố Vĩnh Quý, thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa). Đầu năm 1945, cả nước ta đang sục sôi kháng chiến chống thực dân Pháp, khi đó bà 21 tuổi, bà tham gia hoạt động cách mạng, trở thành đội viên Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ở Châu Khánh Thiện (Chiêm Hóa) với bí danh Mai Sơn. Bà cùng 7, 8 người vượt rừng, đi bộ vòng sang Bắc Kạn, Thái Nguyên để di chuyển về chiến khu cách mạng Tân Trào. Bà tự hào kể: “Trong những ngày tháng phục vụ cách mạng ở Tân Trào, tôi đã nhiều lần được gặp ông Ké, ông Văn. Nhưng mãi sau này chúng tôi mới biết đó là Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp”.
76 năm đã trôi qua, những thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 trong tâm trí của những nhân chứng lịch sử vẫn còn vẹn nguyên. Bởi chiến thắng này đã mở ra bước ngoặt lớn của cách mạng. Đưa dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới, nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình.
Thủ đô Khu giải phóng hôm nay
Ngày 4-6-1945, tại căn lán Nà Nưa, nay thuộc xã Tân Trào (Sơn Dương) đã diễn ra hội nghị đặc biệt quan trọng trên con đường từ khởi nghĩa từng phần tiến lên Tổng khởi nghĩa của Cách mạng Việt Nam. Bác Hồ chỉ thị sáp nhập hai chiến khu (Cao - Bắc - Lạng và Hà - Tuyên - Thái) thành Khu Giải phóng gồm 6 tỉnh; xây dựng chính quyền, quân đội cách mạng và Tân Trào trở thành “Thủ đô” của Khu Giải phóng.
Việc chọn Tân Trào, Tuyên Quang làm trung tâm Khu Giải phóng - căn cứ địa cách mạng thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau này, Tân Trào cũng được Bác Hồ và Trung ương Đảng chọn làm Thủ đô Kháng chiến - đại bản doanh để lãnh đạo cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược từ tháng 4-1947 đến tháng 5-1954.
Tân Trào hôm nay đã nhiều đổi thay, vùng đất lịch sử, nơi diễn ra những sự kiện trọng đại của cách mạng Việt Nam, nơi gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu. Mỗi tấc đất, mỗi con người Tân Trào, Sơn Dương, Tuyên Quang hôm nay và mai sau sẽ còn mãi lưu giữ hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Cụ Hoàng Ngọc năm nay đã trên 80 tuổi là con trai của cụ Hoàng Trung Nguyên, chiến sỹ giao liên đặc biệt cho Bác Hồ ngày ấy bồi hồi xúc động nói: Nhớ Bác, tôi luôn dạy bảo con, cháu mình phải phấn đấu trở thành người đảng viên tốt, gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đoàn kết, nỗ lực phát triển kinh tế, tạo diện mạo mới cho quê hương cách mạng.
Khu tưởng niệm các vị tiền bối cách mạng ở Tân Trào. Ảnh: Nguyễn Chính
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Tân Trào là xã đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới. Đến Tân Trào hôm nay, chúng tôi nhận thấy rõ sự đổi thay của vùng quê cách mạng. 100% đường liên xã, trục chính của xã được nhựa hóa; 100% đường nội thôn, liên thôn được bê tông hóa... Ngoài phát triển nông nghiệp, cơ cấu kinh tế ở Tân Trào đã phát triển thêm các ngành dịch vụ.
Phát huy truyền thống quê hương cách mạng
Tuyên Quang đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là Thủ đô Khu Giải phóng, Thủ đô Kháng chiến. Trong công cuộc đổi mới hôm nay, phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn đoàn kết, chủ động, sáng tạo, vượt qua khó khăn, thử thách, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường xây dựng Đảng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, tạo niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020, tỉnh đã hoàn thành mục tiêu thoát khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực miền núi phía Bắc. Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh đặt mục tiêu xây dựng tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc. Tỉnh thực hiện 3 khâu đột phá gồm: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới; Phát huy tiềm năng, đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, theo hướng hiện đại.
Cùng với thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, Tuyên Quang đặc biệt quan tâm công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhằm tạo chuyển biến căn bản trong việc làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức của Bác Hồ.
Với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt khó, năng động, sáng tạo, khai thác và phát huy tốt tiềm năng, lợi thế, nguồn lực của tỉnh, Tuyên Quang đang dồn sức phấn đấu sớm trở thành tỉnh phát triển khá toàn diện, bền vững trong các tỉnh miền núi phía Bắc, xứng đáng với vị thế Thủ đô Khu Giải phóng, Thủ đô Kháng chiến, tỉnh Anh hùng.
Gửi phản hồi