Từ nồi cháo đầu tiên…
Ở Bệnh viện Đa khoa huyện Chiêm Hóa, ai cũng quý trọng chị Lý Thị Tòng, dân tộc Tày, điều dưỡng trưởng Khoa Nhi. Không chỉ là một trong những người đầu tiên đề xuất ý tưởng xây dựng mô hình “Nồi cháo tình thương” tại bệnh viện mà chị Tòng còn làm tốt nhiệm vụ ghi chép sổ sách các khoản thu, chi và điều hành công việc nấu cháo, phát cho người bệnh. Tiếp chuyện chúng tôi, chị Tòng khiêm tốn: “Chúng tôi chưa làm được gì nhiều so với mong muốn của người bệnh nghèo. Mọi người cùng đồng lòng duy trì hoạt động trên xuất phát từ tình thương yêu con người, lấy công việc thiết thực đó để san sẻ một phần khó khăn của người bệnh”.
Mô hình “Nồi cháo tình thương” của Bệnh viện Đa khoa huyện Chiêm Hóa
đã giúp nhiều bệnh nhân nghèo.
Gần 20 năm làm việc ở bệnh viện, điều dưỡng Tòng đã chứng kiến nhiều trường hợp bệnh nhân nghèo không có tiền mua thức ăn, phải nhịn ăn từng bữa ảnh hưởng đến kết quả điều trị. Đặc biệt, có trường hợp bệnh nhân nghèo còn tính bỏ điều trị về nhà... Thương bệnh nhân, chị nhiều lần trích một phần tiền lương ít ỏi của mình mua chiếc bánh mỳ, cặp bánh tẻ, mua bát cháo giúp người bệnh nghèo được no bụng, động viên họ yên tâm điều trị.
Với suy nghĩ học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh bằng những công việc thiết thực, chị Tòng đã chia sẻ ý tưởng xây dựng mô hình “nồi cháo tình thương” phát miễn phí cho những bệnh nhân nghèo, bệnh nhân nặng. Ý tưởng giàu lòng nhân ái đó của chị Tòng nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của chị Nông Thị Nam, điều dưỡng trưởng toàn bệnh viện. Trên cương vị của mình, chị Nam đã vận động toàn thể bộ phận điều dưỡng trong bệnh viện đóng góp tiền gây quỹ xây dựng mô hình. Tranh thủ giờ nghỉ giải lao, các anh chị em điều dưỡng của bệnh viện đã tình nguyện thu gom ve chai, bìa cát tông, bán lấy tiền đóng vào quỹ.
Ngày 31- 5- 2012, nồi cháo tình thương đầu tiên được đưa đến bệnh nhân nghèo với đầy đủ chất dinh dưỡng. Công việc ý nghĩa trên được sự đón nhận nồng nhiệt từ phía người bệnh, tạo động lực để các chị em điều dưỡng của bệnh viện tiếp tục duy trì mô hình. Do nguồn quỹ ít ỏi nên mỗi tháng các chị chỉ nấu được 1 nồi cháo (trị giá khoảng 100.000 đồng/nồi) phục vụ cho từ 30- 50 bệnh nhân, chủ yếu là đối tượng bệnh nhân nghèo, bệnh nhi và những bệnh nhân nặng. Mô hình nồi cháo tình thương nhanh chóng tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, đến tháng 10- 2012, cùng với việc chỉ đạo duy trì mô hình nhân ái đó tại đơn vị, Ban Giám đốc Bệnh viện đã phát động, vận động toàn cán bộ, y, bác sỹ cùng chung tay góp sức, quyên góp tiền duy trì mô hình trên, coi đó là một trong những việc làm thiết thực trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đồng thời, Ban Giám đốc bệnh viện đã giao cho Chi hội điều dưỡng của bệnh viện đảm nhiệm việc điều hành từ gây quỹ, nấu cháo đủ dinh dưỡng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm… đủ phân phát cho các bệnh nhân vào ngày thứ 4 hằng tuần.
Nhân lên tấm lòng nhân ái
Từ tháng 8 - 2012 đến nay, tập thể cán bộ, y bác sỹ của Bệnh viện Đa khoa huyện Chiêm Hóa đã tình nguyện quyên góp tiền, đóng góp công sức duy trì mô hình nồi cháo tình thương. Bên cạnh đó, phía bệnh viện còn nhận được sự ‘trợ sức” của các nhà hảo tâm, đặc biệt là các thành viên trong Tổ Phật tử Phúc Tuệ, thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa) từ đóng góp công sức, tiền, gạo, rau… Điều dưỡng Tòng chia sẻ: “Bệnh tật không trừ một ai cả. Bất luận là bệnh nhân nghèo hay bệnh nhân có điều kiện hơn về kinh tế, phải nằm điều trị ở bệnh viện đều đáng thương như nhau. Chính sự quan tâm, động viên kịp thời về tinh thần sẽ tạo động lực, nghị lực để họ chiến thắng bệnh tật. Do đó, mô hình nồi cháo tình thương đã mở rộng đối tượng phục vụ đến tất cả các bệnh nhân”.
Trước ngày nấu cháo, các chị em trong Chi hội điều dưỡng đều cập nhật số lượng bệnh nhân toàn bệnh viện để điều chỉnh lượng gạo, thịt, rau… đảm bảo nồi cháo đủ phát cho tất cả người bệnh, tránh thừa gây lãng phí. Hiện nay, trung bình mỗi tuần nồi cháo tình thương của bệnh viện phục vụ miễn phí cho từ 100 đến 250 bệnh nhân. Các số liệu thông tin, theo dõi kinh phí mua thực phẩm, gia vị cũng như mua củi để nấu cháo được ghi chép đầy đủ, công khai minh bạch. Công việc phân phát cháo cho người bệnh do các thành viên ở Tổ phật tử Phúc Tuệ và các điều dưỡng bệnh viện thay nhau phụ trách.
Bà Kiều Thị Nghiến (79 tuổi), Tổ trưởng Tổ Phật tử Phúc Tuệ đã đồng hành cùng “nồi cháo tình thương” của bệnh viện từ gần 2 năm qua. Cứ ngày thứ 4 hàng tuần, bất kể trời mưa hay nắng, bà đều có mặt tại sân bệnh viện để phân phát cháo cho người bệnh. Với quyết tâm “để tất cả bệnh nhân đều có cháo ăn”, bà thường xuyên cùng với các thành viên của tổ phật tử đi vận động các nhà hảo tâm trong tỉnh ủng hộ tiền để cấp cho quỹ “Nồi cháo tình thương” của bệnh viện. Trung bình mỗi tháng, tổ phật tử của bà Nghiến quyên góp từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng duy hoạt động mô hình “Nồi cháo tình thương’’. Bà bảo: “Tuổi cao sức yếu rồi nhưng chúng tôi vẫn kiên trì, cố gắng đồng hành cùng bệnh viện thực hiện công việc có ý nghĩa này. Bát cháo tuy chẳng đáng là bao với người giàu có, nhưng với bệnh nhân nghèo thực sự là nguồn động viên to lớn giúp họ chiến thắng bệnh tật, mau chóng bình phục sức khỏe”.
Chị Phạm Thị Huệ ở tổ Vĩnh Lợi, thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa) là một trong hàng chục trường hợp ủng hộ kinh phí cho Bệnh viên Đa khoa huyện duy trì mô hình “Nồi cháo tình thương’’. Chị Huệ tâm sự, lần trước vào viện thăm người thân ốm đúng lúc các chị điều dưỡng bệnh viện và các bà trong Tổ Phật tử Phúc Tuệ phân phát cháo miễn phí cho bệnh nhân. Cảm kích trước sự tận tâm, nhiệt huyết của các chị và các bà coi bệnh nhân như người thân trong gia đình nên chị đã tự nguyện đóng góp 400.000 đồng cho bệnh viện duy trì hoạt động ấm áp tình người này.
Anh Lù Lại Vạn, dân tộc Nùng, ở thôn Đòn Mệnh, xã Minh Quang (Chiêm Hóa) thuộc hộ nghèo. Anh đưa con gái Lù Thị Khoa (10 tuổi) đi điều trị chân trái bị nhiễm trùng hoại tử. Cháu Khoa phải điều trị đã hơn 2 tuần tại bệnh viện. Vừa nhận bát cháo nóng hổi, anh Vạn nghẹn ngào chia sẻ, đây là lần thứ 2 bố con anh nhận được bát cháo từ “Nồi cháo tình thương” của bệnh viện. Cũng nhờ có bát cháo đó giúp anh tiết kiệm được tiền để dành đóng viện phí, mua thêm thức ăn ngon tẩm bổ cho con gái mau lành bệnh.
Còn bà Ma Thị Tình (60 tuổi), dân tộc Tày ở thôn Nà Mo, xã Yên Lập bị bệnh huyết áp thấp, người hay mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt kèm đau thắt ngực… thường xuyên phải nằm điều trị dài ngày tại bệnh viện. Bà Tình xúc động cho biết, đây là lần thứ ba bà được nhận bát cháo tình thương của bệnh viện. Cháo được phát miễn phí rất thơm, ngon, bổ dưỡng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Được nhận bát cháo nóng hổi ấm áp tình người đã giúp bà thêm vững tin an tâm chữa trị và sớm lành bệnh về nhà.
“Nồi cháo tình thương” tại Bệnh viện Đa khoa huyện Chiêm Hóa đã tiếp thêm niềm tin, nghị lực cho biết bao bệnh nhân nghèo, bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Điều này thể hiện trách nhiệm, tình cảm của người thầy thuốc đối với bệnh nhân đúng như lời Bác Hồ đã dạy “Thầy thuốc phải như mẹ hiền”.
Gửi phản hồi