Học sinh trường Tiểu học Phan Thiết (TP Tuyên Quang) rửa tay trước khi ăn để đảm bảo vệ sinh cá nhân. |
Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh khuyến cáo, trong khoảng thời gian giao mùa, để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình, người dân cần hiểu rõ và biết cách phòng, chữa những bệnh phổ biến như: Sốt xuất huyết, cảm cúm... Vào những ngày nắng nóng cục bộ, cơ thể rất dễ bị sốt, đặc biệt là với trẻ nhỏ. Người lớn cần chú ý tới việc hạ sốt và bù nước cho trẻ, đồng thời bổ sung thực đơn giàu dinh dưỡng để tăng cường vitamin, khoáng chất và sức đề kháng.
Khi thời tiết bắt đầu nóng lên cộng với nồm ẩm sẽ khiến thực phẩm dễ bị hư hỏng. Đây cũng là thời điểm ruồi, muỗi - các tác nhân lây lan mầm bệnh bắt đầu chu kỳ phát triển. Những điều này làm tăng nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Ông Lê Xuân Vân, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết, biểu hiện của ngộ độc thực phẩm là đau bụng từng cơn, nôn, tiêu chảy liên tục, rối loạn điện giải, đôi khi đi kèm khó thở, tức ngực. Trong trường hợp này, cần sơ cứu và đưa người bị ngộ độc vào bệnh viện càng sớm càng tốt, nếu không có thể nguy hiểm đến tính mạng. Để đề phòng bị ngộ độc thực phẩm, bạn nên chọn thực phẩm đảm bảo vệ sinh, an toàn, nên ăn nóng ngay sau khi chế biến. Thực phẩm còn thừa nên đậy kín và bảo quản trong tủ lạnh. Mọi người thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, uống 8-10 ly nước mỗi ngày. Hoa quả cần rửa sạch và gọt vỏ trước khi ăn, không ăn thực phẩm kém chất lượng, lưu ý rửa tay sạch sẽ trước khi ăn và chế biến.
Thời tiết giao mùa xuân - hè cũng là thời điểm cho nhiều dịch bệnh bùng phát, trong đó có dịch sốt xuất huyết. Khí hậu miền Bắc đang chuyển từ xuân sang hè nóng lạnh thất thường, trời ẩm ướt là điều kiện cho nhiều loại muỗi phát triển, khiến dịch sốt xuất huyết có nguy cơ bùng phát. Triệu chứng ban đầu của sốt xuất huyết giống như cúm, kéo dài từ 2-7 ngày, thời gian ủ bệnh từ 4 đến 10 ngày sau khi bị muỗi mang mầm bệnh đốt. Sốt xuất huyết nhẹ có các biểu hiện như: Sốt cao kèm theo các triệu chứng đau đầu; nhức sau hốc mắt; buồn nôn, nôn; sưng hạch bạch huyết; đau mỏi cơ, xương hay khớp; phát ban. Nếu không được chữa trị, bệnh sốt xuất huyết có thể để lại nhiều biến chứng và dẫn đến tử vong. Để phòng tránh sốt xuất huyết vào thời điểm giao mùa xuân - hè, cần diệt muỗi, giữ môi trường sống sạch sẽ, khô thoáng và luôn ngủ trong màn.
Theo ông Vũ Đình Đà, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Phúc Thịnh (Chiêm Hóa), hàng năm vào thời điểm giao mùa xuân - hè các cán bộ của trạm luôn chú trọng công tác tuyên truyền, phòng chống dịch bệnh đến người dân. Đồng thời, nhắc nhở phụ nữ đang mang thai và gia đình có con nhỏ đi khám và tiêm chủng theo lịch; xuống từng thôn, bản để kiểm tra, vận động người dân thực hiện ăn uống hợp vệ sinh, sử dụng nước sinh hoạt đã qua khử trùng. Hàng tuần cần chủ động dọn dẹp vệ sinh quanh nơi ở, phát quang bụi rậm, xử lý các khu vực ao tù, nước đọng để ngăn muỗi sinh sôi, phát triển. Từ đó, hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ lây nhiễm và bùng phát dịch sốt rét, sốt xuất huyết.
Chính vì vậy, mỗi người dân cần chủ động phòng, tránh dịch bệnh trong thời điểm giao mùa xuân - hè, để đảm bảo được sức khỏe, yêm tâm học tập, lao động và công tác.
Gửi phản hồi