Chị em phụ nữ người Dao đỏ thôn Khau Hán, xã Bình Phú (Chiêm Hóa) gói bánh Tết và chuẩn bị trang phục đón Tết. |
Người dân Khau Hán chỉ trồng một vụ lúa, vụ còn lại phụ thuộc vào nước trời. Ở đây, cây ngô đã đem lại no ấm cho nhiều gia đình. Hộ nhiều mỗi năm thu hoạch 7 - 8 tấn ngô hạt, hộ ít cũng 1 - 2 tấn. Khau Hán còn có thế mạnh chăn nuôi trâu, lợn, dê, gà. Hai năm nay, bà con trong thôn chuyển sang trồng rừng kết hợp chăn nuôi trâu và dê sinh sản. Nhờ chăm chỉ làm ăn, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt, đời sống bà con ngày càng ấm no, khấm khá. Hiện toàn thôn có trên 70 ha rừng trồng, gần 150 con trâu sinh sản, hàng trăm con dê, lợn... Điển hình như gia đình anh Triệu Minh Thông nuôi gần chục con trâu và trồng rừng; gia đình anh Triệu Văn Chu là hộ nuôi nhiều dê nhất thôn, có thời điểm lên đến trăm con; gia đình anh Phùng Văn Sính trồng 7 - 8 ha rừng...
Tháng Chạp hằng năm, người Dao lại nô nức đón tết. Tết của người Dao ở đây thường sớm hơn gần 1 tháng so với các dân tộc khác. Đầu tháng chạp, các bà, các mẹ bắt đầu rục rịch vào rừng tìm củi, lá chít, lá dong để gói bánh. Bắt đầu từ 23-12 âm lịch, người Dao đỏ tìm thầy về làm lễ cúng, mời tổ tiên về ăn Tết. Tết Nguyên đán họ mổ lợn, mổ gà và làm bánh sừng trâu. Đây là những món không thể thiếu trong mâm cúng tổ tiên. Chị Lý Thị Hoa vui vẻ cho biết: “Năm nay mưa thuận gió hòa, việc chăn nuôi trồng trọt của bà con thuận lợi. Gia đình tôi sẽ mổ con lợn hơn 50 kg để ăn tết. Tôi cũng để được hơn yến gạo nếp để làm bánh. Có thịt, có bánh, vậy là có tết rồi”. Còn anh Triệu Văn Chu tươi cười bảo: “Nhà tôi cũng dự định mổ con lợn vài chục cân vừa ăn tết, vừa mời anh em họ hàng cùng chung vui. Ngoài ra còn có gà, có bánh”.
Người Dao ở Khau Hán thường có phong tục tổ chức lễ cấp sắc hay còn gọi là lễ trưởng thành trước dịp tết Nguyên đán. Đây là thời điểm bà con đã thu hoạch mùa màng xong xuôi, “thóc đã đầy bồ, gà đã đầy chuồng”. Lễ cấp sắc của người Dao đỏ khác với các ngành Dao khác là cấp sắc cho cả hai vợ chồng. Tháng 10 âm lịch vừa qua, gia đình anh La Tài Vượng là một trong số gia đình tổ chức lễ cấp sắc. Anh Vượng chia sẻ: Những gia đình nào đã làm lễ cấp sắc, thì tết năm đó và tết hai năm liền kề sau đó phải tổ chức tết nhảy. Đây là nét đặc trưng trong văn hóa của dân tộc Dao. Tết nhảy tổ chức trong dịp Tết Nguyên đán, từ mùng 1 đến 15 Tết (tùy gia chủ chọn ngày). Thầy cúng cùng các nam thanh nữ tú quây quần bên bếp lửa hồng vừa cúng, vừa nhảy cầu ấm no, hạnh phúc. Mọi người cùng nhau ăn uống, chúc tụng nhau những lời tốt đẹp nhất trong năm mới.
Rời Khau Hán khi trời đã xế chiều, bên kia sườn núi, tiếng trai gái trong bản đang gọi nhau đi múa hát để chuẩn bị đón Tết. Anh Triệu Văn Cói, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn cho biết: “Cứ mỗi dịp tết đến xuân về, những thành viên trong Câu lạc bộ hát Páo dung của thôn lại tập hát, đây cũng là nét văn hóa đặc sắc của người Dao. Chúng tôi sẽ cố gắng lưu giữ, phát huy những văn hóa đặc sắc này của người Dao đỏ và truyền lại cho thế hệ sau”.
Gửi phản hồi