Ký ức không quên
Năm 1969, ông Độ tham gia quân đội khi vừa tròn 17 tuổi. Sau 6 tháng huấn luyện ở Chương Mỹ, Hà Tây (nay là Hà Nội), đơn vị ông hành quân vào miền Nam tiếp sức cho tiền tuyến. Chiến tranh chống Mỹ kết thúc, ông tiếp tục được điều về Đại đội 3, Tiểu đoàn 4 thuộc huyện đội Quản Bạ (tỉnh Hà Tuyên cũ) giữ chức Đại đội trưởng.
Chiếc áo lính - kỷ vật thiêng liêng được thương binh Hà Hữu Độ gìn giữ
như một báu vật hơn 40 năm qua.
Ông Độ bồi hồi: “Bao năm tháng đối mặt với bom đạn khốc liệt ở chiến trường miền Nam, chỉ thương nhẹ. Vậy mà đến khi sắp hòa bình rồi lại bị thương nặng. Đó là vào hồi năm 1979, trong lúc tôi cùng 7 đồng chí tuần tra biên giới Quản Bạ thì trúng phải mìn. Khi tỉnh dậy người tôi bê bết máu và đã được đồng đội đưa về trạm xá điều trị. Đợt đó, tôi bị thương hai mắt, hai chân, mắt trái bị mù vĩnh viễn, mắt phải thị lực chỉ còn 4%, cưa chân phải, gãy chân trái. Điều đáng buồn nhất là hai người lính của tôi đã vĩnh viễn nằm lại ở chiến trường”. Đôi mắt mờ đục, rơm rớm nước sau lớp kính. Ông Độ đang cố kìm nén nỗi đau khi nhắc về đồng đội của mình. Sau khi bị thương, ông được đưa về tuyến sau điều trị. “Cứ thời tiết thay đổi, bên chân cụt bị cưa xưng tấy, toàn thân nhức buốt như những mảnh đạn đang chui trong thớ thịt. Nhưng biết làm sao được, đó là chiến tranh, được trở về gặp vợ con là may mắn lắm rồi” - ông Độ chia sẻ.
14 năm trong quân ngũ, kinh qua nhiều chiến trường đã để lại trong ông những ký ức đẹp đẽ của một thời tuổi trẻ. Ông nhớ nhất những năm chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên (1970 - 1972), ông cùng đồng đội phần nhau từng hạt gạo. Mỗi một người chỉ được một lạng gạo/ngày ăn cùng mắm kem (lá sắn trộn với muối thành nước tương). Các ông dành gạo cho đồng đội bị sốt rét, còn mình ăn sắn. Sự hy sinh cao cả một người đồng đội đến giờ ông không thể nào quên. Đó là anh Nguyễn Xuân Liên, Tiểu đoàn phó của đơn vị đã dành phần gạo của mình cho đồng đội bị sốt rét, còn anh ăn sắn nên bị say và chết.
Ông Độ tập tễnh đi về phía tủ lấy ra một chiếc áo lính mới tinh, còn nguyên nếp gấp cho chúng tôi xem. Đây là kỷ vật hồi chiến tranh chống Mỹ ông được Tổng cục Hậu cần vào thăm tặng quà. Hai người một suất quà là 1 bộ quần áo và hai điếu thuốc lá Tam Đảo. Ông Độ nhận quà cùng Trung đoàn trưởng Lê Tam, ông lấy áo, còn đồng đội ông lấy quần. Chiếc áo ông đã gìn giữ, trân trọng như một báu vật hơn 40 năm qua. Năm 1985, sau một thời gian điều trị tại các trung tâm quân y, ông xin về quê với thương tật 95%. Với ông, những năm tháng khói lửa, ngủ rừng, ăn cơm nắm, bị những cơn sốt rét hành hạ tuy khổ cực, nhưng rất tự hào.
Khai hoang lập nghiệp
Còn nhớ, năm 1985, khi đang an dưỡng tại Trung tâm điều dưỡng người có công tại tỉnh Phú Thọ, thời điểm đó vợ ông đang công tác trên huyện, hai con còn nhỏ thường xuyên đau bệnh, cuộc sống gia đình khó khăn. Ông xin trung tâm được về quê an dưỡng, phụ vợ chăm con. Ngày mới trở về với cuộc sống đời thường những vết thương chiến tranh tái phát đau đớn. Đôi chân, đôi mắt không còn lành lặn khiến ông gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt. Những ngày tháng mới về gia cảnh nghèo khó, con ốm đau, sức khỏe yếu, đôi lúc ông thấy túng quẫn, tưởng chừng không vượt qua được. Nhưng cứ nghĩ đến những đồng đội đã hy sinh, thấy mình được trở về là một may mắn nên ông lại cố gắng vượt qua. Phát huy bản chất của người lính Cụ Hồ là không lùi bước trước khó khăn, ông lại tiếp tục đứng lên, quyết tâm vượt qua cảnh nghèo đói. Vợ chồng ông quyết định bán nhà ở thị trấn Vĩnh Lộc, vào khai hoang mở ruộng, đắp ao nuôi cá ở thôn Làng Lạc, xã Xuân Quang.
Thương binh Hà Hữu Độ giới thiệu vườn cây ăn quả của gia đình.
11 giờ trưa tháng 5, nắng như đổ lửa, bộ đồ lính sờn bạc của ông Độ nhem nhuốc bùn, ướt đẫm mồ hôi. Một chân đứng dưới ruộng, chiếc chân giả còn lại được kê trên chiếc nạng gỗ, lom khom cào bùn đắp bờ. Dường như không nghe thấy tiếng gọi của Chủ tịch Hội CCB xã Xuân Quang Hà Văn Thiếp, người đàn ông ấy tay vẫn thoăn thoát vơ từng vốc bùn đắp chỗ nước đang chảy. Khi đến tận nơi, anh Thiếp khoe: “Đây là điển hình thương binh vượt khó của xã đấy, bị mù một mắt, cụt một chân mà không chịu thua số phận”. Ông Độ tươi cười bảo: “Việc hằng ngày của tôi đấy. Cào vườn, cuốc đất thì kê nạng, phát cỏ thì cầm theo cái ghế, vừa lê, vừa phát”. Cứ vậy, ông gắn bó với chân tập tễnh gần 40 năm, đội mưa, đạp nắng cần mẫn phát cỏ dại, cày cuốc cải tạo khe suối thành ao cá, ruộng lúa trước sự khâm phục của bà con trong thôn.
Với một người khỏe mạnh, làm công việc đồng áng còn thấy vất vả, trong khi ông Độ, người đã mất một chân, một mắt, nhiễm chất độc Da cam/Dioxin, tỷ lệ mất sức lao động 95%, sự khó khăn tăng lên gấp bội. Hình ảnh những đồng đội hy sinh đã tiếp thêm sức mạnh, thôi thúc ông vượt qua. Ông Độ chia sẻ: “Dù mất một chân, một mắt nhưng hai tay tôi lành lặn và tôi thấy mình còn may mắn hơn bao đồng đội đã ngã xuống, chính điều đó càng thôi thúc tôi thêm kiên cường”.
Bao năm trời đánh vật với đất đồi, vợ chồng ông đã biến một khe núi hoang hóa thành 5 ha rừng keo, hơn 2.000 m2 ao thả cá, gần 1.000 m2 đất ruộng cấy ngô, lúa… Mỗi năm, gia đình ông thu hơn 2 tấn thóc, ngô. Khi thóc đã đầy nhà, ông trồng rừng, trồng cây ăn quả, nuôi dê, nuôi gà, nuôi cá thịt. Đất chẳng phụ công người, từ chỗ thiếu ăn, gia đình ông đã có của ăn của để. Mỗi năm gia đình ông thu về hơn 100 triệu đồng từ mô hình kinh tế tổng hợp này. Vợ ông, bà Ma Thị Vân góp lời: “Chồng tôi đi lại phải chống nạng, chỉ còn một chân, một mắt, nhưng giàu nghị lực. Ông ấy làm việc hăng say hơn những người bình thường. Ngày trước khi chưa có máy, ông ấy vẫn cày ruộng bằng trâu đấy”.
Anh Hà Văn Thiếp, Chủ tịch CCB xã Xuân Quang cho biết: “Là một thương binh, được hưởng chế độ chính sách của Nhà nước nhưng ông Độ không ỷ lại vào đó mà vẫn tự mình tích cực vươn lên, không cam chịu số phận. Ông là tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế của Hội CCB xã. Ý chí, nghị lực của ông Độ là tấm gương sáng để chúng tôi và thế hệ trẻ noi theo''.
Gửi phản hồi