Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội Nghệ An làm thủ tục cho các gia đình tại xã Hưng Lam,
huyện Hưng Nguyên vay vốn. Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN
Tính đến ngày 31-7-2018, dư nợ chương trình đạt 13.575 tỷ đồng. Dư nợ cho vay theo đối tượng thụ hưởng như sau: Hộ nghèo dư nợ là 1.982 tỷ đồng, với trên 77.000 hộ đang vay vốn; hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người tối đa bằng 150% mức thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo dư nợ là 5.261 tỷ đồng, với trên 205.000 hộ đang vay vốn.
Đối tượng học sinh, sinh viên mà gia đình gặp khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh dư nợ là 6.307 tỷ đồng, với gần 268.000 hộ đang vay vốn. Đối tượng là học sinh, sinh viên mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc chỉ mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không còn khả năng lao động, lao động nông thôn học nghề, bộ đội xuất ngũ học nghề, hộ bị thiệt hại do sự cố môi trường biển dư nợ gần 25 tỷ đồng, với hơn 1,3 nghìn hộ đang vay vốn.
Lãnh đạo Ngân hàng Chính sách Xã hội cho biết, chính sách tín dụng đối với học sinh sinh viên là chính sách có ý nghĩa cả về kinh tế, chính trị và xã hội, hợp lòng dân, tạo được sự đồng thuận cao của các ngành, các cấp, của cộng đồng xã hội.
Chương trình tín dụng đối với học sinh sinh viên nhằm mục đích sử dụng nguồn lực của Nhà nước để cung cấp tín dụng ưu đãi cho học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; không để học sinh, sinh viên nào phải bỏ học vì lý do không có khả năng đóng học phí và trang trải các nhu cầu sinh hoạt tối thiểu.
Đồng thời, chương trình tạo cơ hội học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn có thể tiếp tục con đường học tập của mình, góp phần vào sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao cho đất nước.
Gửi phản hồi