Bà Lý Thị Ân, 74 tuổi, thôn Nà Coóc, xã Tri Phú cho biết: Bà đã được phẫu thuật thay thủy tinh thể nhân tạo mắt trái cách đây gần 10 năm. Mấy năm gần đây, bà thấy mắt phải nhìn mờ dần, tầm nhìn xa bị hạn chế, đặc biệt là theo thời gian, bệnh càng ngày càng nặng, suy giảm thị lực gây ảnh hưởng lớn đến tầm nhìn. Sau khi được khám sàng lọc và tiến hành các bước khám theo quy định, bà được chỉ định phẫu thuật. Bởi vậy, bà đã được gia đình đưa ra Bệnh viện từ rất sớm với mong muốn sau phẫu thuật, thị lực của bà được cải thiện, thuận lợi hơn trong sinh hoạt và cuộc sống hàng ngày.
Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh phẫu thuật thay thủy tinh thể nhân tạo
tại Bệnh viện Đa khoa huyện Chiêm Hóa.
Theo kế hoạch, năm 2017, thực hiện Chương trình phòng chống mù lòa, Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh phối hợp với các bệnh viện tuyến huyện tổ chức 700 ca phẫu thuật đục thủy tinh thể theo phương pháp Phaco. Đây là một trong những phương pháp phổ biến nhất được áp dụng tại các bệnh viện mắt tuyến trung ương hiện nay. Phẫu thuật phaco thực hiện khá đơn giản, an toàn ít để lại biến chứng cho người bệnh và có thể về nhà sau vài giờ sau phẫu thuật. Chiêm Hóa có 7 điểm khám sàng lọc các bệnh về mắt tại các xã Hòa Phú, Kim Bình, Minh Đức, Hà Lang, Đầm Hồng, Phúc Thịnh và thị trấn Vĩnh Lộc. Sau khi tổ chức khám sàng lọc, Trung tâm tiến hành lên kế hoạch về thời gian, chuẩn bị các trang thiết bị kỹ thuật…; các bệnh nhân bị đục thủy tinh thể tiến hành các bước khám, hoàn thiện hồ sơ bệnh án sẽ được Trung tâm tiến hành phẫu thuật tại Bệnh viện Đa khoa huyện. Đặc biệt tại đây, bên cạnh việc được phẫu thuật, các bệnh nhân và người nhà cũng được tư vấn những điểm cần lưu ý trong quá trình phục hồi sau phẫu thuật thay thủy tinh thể nhân tạo.
Trong đợt phẫu thuật thay thủy tinh thể nhân tạo lần này, Chiêm Hóa đã có 115 bệnh nhân được phẫu thuật. Cho đến nay, thực hiện Chương trình phòng chống mù lòa, trên địa bàn huyện đã có hàng ngàn bệnh nhân được khám và phẫu thuật đục thể thủy tinh, mang lại ánh sáng, niềm vui và hạnh phúc cho rất nhiều gia đình và cộng đồng. Đồng thời các hoạt động phẫu thuật được tiến hành phối hợp tại các bệnh viện tuyến huyện đã giúp đưa các dịch vụ nhãn khoa hiện đại tới gần người dân, khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa, đồng thời đẩy mạnh các hoạt chuyển giao khoa học kỹ thuật cho tuyến dưới và có tác động tích cực đối với công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong phòng bệnh, bảo vệ và chăm sóc mắt cũng như sức khỏe của người dân trên địa bàn huyện./.
Gửi phản hồi