Thoát nghèo là yêu nước
Chúng tôi tìm đến gia đình ông Ma Văn Trưởng, thôn Bản Têm, xã Minh Quang đúng ngày gia đình ông tập trung thu hoạch lạc. Giữa cái nắng chang chang cháy da, cháy thịt, mồ hôi lã chã rơi trên khuôn mặt đỏ lựng nhưng vợ chồng ông vẫn cười tươi vì lại thêm một mùa lạc bội thu. Được hỏi về lý do xung phong thoát nghèo, ông Trưởng cười vang, xua đi bao nhọc nhằn, mệt mỏi. “À lôi! Nghèo có phải danh hiệu đẹp đẽ, cao quý gì đâu để mà tự hào. Họp thôn, người ta cứ réo tên nhà mình là hộ nghèo, vừa buồn vừa xấu hổ. Gia đình tôi là hộ chính sách nên cũng được hưởng nhiều sự ưu đãi rồi, còn được hưởng thêm chính sách hộ nghèo thì nhiều quá. Gia đình có truyền thống cách mạng, nên với tôi xung phong thoát nghèo chính là yêu nước. Tuy không là đảng viên, nhưng tôi là Phó Ban công tác Mặt trận khu dân cư, Chi hội phó Chi hội Người cao tuổi của thôn. Mình phải gương mẫu, hội viên, nhân dân mới nghe theo, làm theo”.
Ông Trưởng là 1 trong 26 hộ nghèo xin thoát nghèo của xã năm 2016. Ông đã tạo được bứt phá là thoát nghèo trở thành hộ cận nghèo và vươn lên thành hộ trung bình. Ông chia sẻ, nhà có 2 bung lạc rồi nên vợ chồng ông tập trung phát triển cây lạc. Cuối năm, sẽ sửa lại căn bếp cho vững chãi, phấn đấu xây nhà kiên cố trong vài năm tới. Có sức, có chí chắc chắn sẽ thành công.
Năm 2016 gia đình ông Ma Văn Trưởng, thôn Bản Têm, xã Minh Quang từ hộ nghèo vươn lên
thành hộ có mức sống trung bình. (Trong ảnh: Vợ chồng ông Ma Văn Trưởng thu hoạch lạc).
Dẫn chúng tôi đến nhà bà Ma Thị Ngân - một trong 15 hộ nghèo của thôn xung phong thoát nghèo năm 2017, chị Ma Thị Hiệp, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Nà Loáng, xã Kim Bình hồ hởi lắm. Chị cho biết: “Năm nay, qua rà soát, MTTQ và các đoàn thể “xúm” vào tuyên truyền những hộ có khả năng thoát nghèo nên xung phong thoát nghèo để giảm gánh nặng cho Nhà nước. Bà Ngân vẫn trong diện hộ nghèo được hỗ trợ vay vốn đã xung phong, làm đơn xin thoát nghèo. Bà Ngân nghèo nhưng tự trọng, ý chí cao hơn núi ấy!”.
Năm 2013, nhà sàn của bà Ngân bị cháy, thứ quý giá nhất còn sót lại là bộ quần áo trên người. Ngôi nhà bán kiên cố của bà hiện nay được chính quyền, anh em, hàng xóm hỗ trợ dựng lại; chiếc tủ lạnh nhỏ, tivi đến bộ bàn ghế gỗ trong nhà bà đều được cho. Chỉ có 2 chiếc giường là do bà bán vườn tre mua được sau trận cháy. “Tôi cảm tạ mọi người đã đỡ đần, cưu mang lúc tôi gặp hoạn nạn. Bởi thế, tôi phải cố gắng để không còn đói nghèo, không phụ lại tình cảm, sự quan tâm của mọi người” - mắt bà Ngân ánh lên sự lạc quan, cương quyết.
Bà có 6 người con, trong đó có 5 người đã lập gia đình và cuộc sống không mấy khá giả. Bà ở với cậu con trai út, nhưng con trai bà đi làm ăn xa nhiều năm nay. Chồng bà đã mất cách đây 10 năm vì bệnh tật. Ở tuổi 62, bà tự mình làm hết việc đồng áng. Ngoài trồng ngô, trồng mía, rảnh tay lúc nào, bà lại miệt mài kiếm thêm bằng nghề đan cót. Mấy năm nay, thôn làm đường bê tông, làm nhà văn hóa, mỗi nhân khẩu phải đóng góp hơn 1,6 triệu đồng. Không có tiền đóng 1 “cục”, nên cứ vài ngày đan cót, bán được 20, 30 nghìn đồng, bà lại gom góp sang nhà trưởng thôn nộp. Thế mà bà không nợ một đồng nào của thôn. Với bà, “nghèo cho sạch, rách cho thơm”, cái ăn, cái mặc thiếu thốn nhưng nhất định phải tròn trách nhiệm của người công dân.
Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội
Giai đoạn trước, Chiêm Hóa đã là địa phương làm tốt công tác giảm nghèo và xung phong thoát nghèo là phong trào sôi nổi trên địa bàn huyện. Kết quả đó là nhờ sự nỗ lực của hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở trong việc triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo mà huyện đề ra. Bên cạnh việc tạo điều kiện cho hộ nghèo vay vốn phát triển kinh tế, MTTQ và các đoàn thể từ huyện đến xã đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động hộ nghèo nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Qua đó, khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường, tự trọng của hộ nghèo để phấn đấu thoát nghèo bền vững.
UBND huyện cũng luôn quan tâm, chỉ đạo các địa phương chú trọng công tác biểu dương, khen thưởng những hộ tiêu biểu đã vươn lên thoát nghèo bằng ý chí và nghị lực của bản thân. Qua đó, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư cũng như toàn xã hội. Nhờ vậy, năm 2016 toàn huyện có 81 hộ xung phong thoát nghèo.
Bà Ma Thị Ngân (bên phải), thôn Nà Loáng, xã Kim Bình (Chiêm Hóa) đầu tư trồng mía,
xung phong phấn đấu thoát nghèo năm 2017.
Trong năm 2016, huyện Chiêm Hóa có 1.714 hộ thoát nghèo, đạt 5,32%, vượt trên 1,3% so với kế hoạch đề ra. Từ nay đến hết năm 2020, huyện phấn đấu mỗi năm giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 4% trở lên để tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2020 chỉ còn trên 20%. Để hoàn thành mục tiêu giảm nghèo của giai đoạn 2016 - 2020, huyện xác định, tiếp tục tăng cường vai trò của MTTQ và các đoàn thể trong công tác tuyên truyền, vận động, giúp đỡ hộ nghèo vươn lên; đồng thời, khơi dậy hơn nữa tinh thần và ý chí thoát nghèo của mỗi hộ.
“Riêng trong quý 1-2017, xã Kim Bình đã có 66 hộ viết đơn xin thoát nghèo. Thôn ít có vài hộ xung phong, thôn nhiều như Nà Loáng có 15 hộ xung phong thoát nghèo. Đó là hiệu quả của việc phát huy tốt vai trò của chính quyền, MTTQ và các đoàn thể trong tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, ý thức của người dân về giảm nghèo” - ông Đào Ngọc Vang, Chủ tịch UBND xã Kim Bình phấn khởi nói. Năm 2017, theo kế hoạch, xã phải giảm 50 hộ nghèo, nhưng xã đưa ra mục tiêu phấn đấu giảm 70 hộ. Chắc chắn năm nay, xã sẽ vượt chỉ tiêu về giảm nghèo.
Còn xã Phúc Sơn, năm 2016 có 42 hộ xung phong thoát nghèo, cao nhất huyện. Anh Quan Văn Chất, cán bộ văn hóa xã Phúc Sơn cho biết, cán bộ xã phụ trách thôn cùng Ban công tác Mặt trận thôn và các đoàn thể thôn xuống từng hộ nghèo có khả năng thoát nghèo để tuyên truyền, vận động. Cán bộ phải nắm thật chắc điều kiện, hoàn cảnh của từng hộ, hiểu rõ họ cần những gì để khéo léo vận động. Đồng thời, có sự tư vấn, định hướng phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện của từng hộ.
Theo đồng chí Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện, mỗi giai đoạn phát triển của đất nước, chuẩn nghèo lại có tiêu chí riêng, nên có lẽ Ban Chỉ đạo giảm nghèo các cấp sẽ tồn tại “bền vững”. Bác Hồ đã từng nói “Giặc đói, giặc dốt là bạn giặc ngoại xâm”; “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Vì vậy, đuổi giặc đói, cái nghèo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị nhưng phải bắt đầu từ nhận thức, ý chí của người nghèo và từ tinh thần “thi đua” của những người không cam chịu đói nghèo…
Gửi phản hồi