Rời quân ngũ trở về địa phương năm 1985, CCB Trương Văn Học đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi để phát triển kinh tế hộ gia đình. Mô hình chăn nuôi lợn thương phẩm và sinh sản được gia đình ông Học lựa chọn. Trong quá trình chăn nuôi cũng gặp không ít lần thất bại, do giá cả thị trường, dịch bệnh. Nhưng với tính cần cù chịu khó, không khuất phục trước khó khăn, ông Học vẫn bám trụ với nghề chăn nuôi lợn. Hiện nay, mô hình của ông duy trì đều từ 50 – 100 con/lứa, mỗi năm nuôi từ 3-4 lứa. Thuận lợi vì có Quốc lộ 3B đi qua, cùng với chăn nuôi, gia đình ông còn đầu tư vào kinh doanh hàng hóa tổng hợp, bán thức ăn chăn nuôi gia súc. Nhờ vậy, kinh tế gia đình ông cũng được đảm bảo, trừ chi phí đầu tư mỗi năm cũng thu về cho gia đình ông trên 200 triệu đồng.
Mô hình kinh doanh tổng hợp của CCB Trương Văn Học, thôn Càng Nộc, xã Hòa Phú.
Ông Học luôn nhắc nhở bản thân dù trong thời chiến cũng như thời bình phải sống, làm việc và học tập theo gương Bác trong từng hành động và thực tiễn cuộc sống. Không chỉ phát triển kinh tế cho gia đình, ông Học còn luôn nhiệt tình với phong trào tại địa phương. Với ông, được bà con tín nhiệm là niềm vinh dự để ông tiếp tục cống hiến sức lực của mình để xây dựng quê hương. Hơn 20 năm làm Bí thư Chi bộ, trưởng thôn, nay lại làm người có uy tín trong thôn, ông Học luôn tích cực vận động nhân dân tham gia phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, tập trung phát triển kinh tế. Dám nghĩ, dám làm trong phát triển kinh tế gia đình. Năng nổ, nhiệt tình với các hoạt động, phong trào tại địa phương, CCB Trương Văn Học luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và được đồng chí, đồng đội và nhân dân quý mến.
Với tinh thần “học và làm theo Bác”, CCBTrương Văn Học vẫn luôn không ngừn nỗ lực hết mình để sáng mãi phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ" trong phát triển kinh tế, góp sức xây dựng quê hương./.
Gửi phản hồi