Ông Nguyễn Văn Sinh lưu giữ tấm ảnh chụp cùng Bác Hồ (3 - 1961) kỷ vật vô giá đối với ông.
Ông Nguyễn Văn Sinh năm nay đã gần 90 tuổi ở tổ 12, phường Hưng Thành (TP Tuyên Quang) từng có nhiều năm tham gia chiến đấu tại Trung đoàn 246. Ông rời quân ngũ về hưu với quân hàm Đại tá, Phó Hiệu trưởng trường Quân sự Quân khu 2. Những kỷ niệm cách đây đã gần 70 năm rồi nhưng không hề phai mờ trong ký ức của ông, đặc biệt là những lần được gặp Bác Hồ. Ông Sinh đã vinh dự được 3 lần gặp Bác Hồ, có cả một bức ảnh chụp đi bên Bác. Ông viết thành hồi ký và được đăng trên báo Trung ương.
Bên ấm trà mới, ông Sinh kể lại những ký ức hào hùng của một thời hoa lửa vô cùng gian nan nhưng cũng đầy tự hào. Năm 1949 ông đi bộ đội, sau Chiến dịch Biên giới (1950) quân ta thắng lớn, tịch thu được rất nhiều vũ khí của địch, ông nhận nhiệm vụ thu gom vũ khí tập trung tại Sơn Dương. Sau đó, ông được bổ sung vào Trung đoàn 246, đó là cơ duyên để ông trở thành người lính của Trung đoàn với nhiệm vụ hết sức vẻ vang, bảo vệ Trung ương Đảng, Bác Hồ.
Theo tư liệu cuốn lịch sử truyền thống Trung đoàn 246, sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, cuộc kháng chiến phát triển ngày càng mạnh, Trung ương Đảng, Bác Hồ trở lại Việt Bắc xác định phải xây dựng lực lượng lớn mạnh bảo vệ, kháng chiến, trong đó lấy trung tâm là căn cứ địa ATK. Ngày 30-6-1948 Trung đoàn 15 được thành lập, sau đổi tên phiên hiệu là Trung đoàn 246. Lúc đó, Trung đoàn có 1 tiểu đoàn bảo vệ vòng trong gồm các cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ, Mặt trận; 1 tiểu đoàn tập trung cơ động vòng ngoài từ Thái Nguyên - Tuyên Quang tạo thành vành đai bảo vệ trên 100 km. Tháng 8 -1950, một bộ phận của Trung đoàn được lệnh hành quân đến xã Vinh Quang (nay là xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa) làm nhiệm vụ mở đường, làm hội trường và các hạng mục chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II. Mọi công việc chuẩn bị đúng với phương châm của Bác là trên trời nhìn xuống không thấy gì, dưới đất bốn mặt nhìn vào cũng không thấy gì.
Năm 1952, Trung ương Đảng đã trao tặng cho Trung đoàn thanh kiếm khắc dòng chữ “Ban Chấp hành Trung ương Đảng”, Tổng cục Chính trị chọn Trung đoàn là thí điểm xây dựng Chi đoàn Thanh niên cứu quốc. Đây là mốc son lịch sử quan trọng đối với sự ra đời, phát triển của công tác Đoàn và phong trào thanh niên trong quân đội.
Trong kháng chiến chống Pháp, Trung đoàn 246 đã đánh trên 1.000 trận công đồn, kìm chân, chia cắt, căng kéo, chốt chặn địch tại khu vực trung du, Bắc bộ, góp phần quan trọng vào thắng lợi của chiến dịch Đông Xuân và chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Năm 1959, Trung đoàn trở về Tuyên Quang lập doanh trại tại xã Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang). Ông Sinh nhớ lại, ngày đó khu vực này chỉ là một cánh đồng hoang vu, trống trơn. Đơn vị tổ chức đóng gạch, lấy gỗ xây dựng thành doanh trại huấn luyện chính quy. Thời điểm này, phỉ lại nổi lên ở các huyện vùng cao của tỉnh Hà Giang, đơn vị ông lại cấp tốc hành quân đi tiễu phỉ đồng thời diệt trừ các đảng phái phản động, phá hoại hậu phương của ta.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bên cạnh việc hoàn thành nhiệm vụ huấn luyện, tăng cường quân cho chiến trường miền Nam, Trung đoàn đã xây dựng lực lượng phòng không bảo vệ vùng trời Tuyên Quang, trực tiếp tham gia chiến đấu tại cánh đồng Chum - thượng Lào; chiến dịch Đường 9 Khe Sanh Quảng Trị mở đầu cho những thắng lợi của ta tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam. Đặc biệt, Trung đoàn vinh dự là một trong những đơn vị trực tiếp tham gia xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ông Đinh Quý Đông hiện là Trưởng Ban liên lạc CCB Trung đoàn 246 - Đoàn Tân Trào của tỉnh cho biết, với những chiến công to lớn, Trung đoàn đã 2 lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; 6 cá nhân của Trung đoàn được phong tặng Anh hùng. Trung đoàn có 8 vị tướng trong lực lượng vũ trang, trong đó có Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, hiện là Phó Chủ tịch Quốc hội khóa XIV. Ban liên lạc hiện có 150 hội viên, hầu hết các hội viên đều đã tuổi cao, có hội viên năm nay đã 103 tuổi. Các CCB Trung đoàn luôn phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, nêu cao truyền thống Anh hùng.
Gửi phản hồi