Mô hình trồng gấc của chị Bàn Thị Hường, thôn Quang Hải, xã Vinh Quang (Chiêm Hóa) rộng 1 ha. Chị Hường cho biết, được người quen giới thiệu trồng gấc cho thu nhập ổn định, quả gấc sẽ được thương lái thu mua tại vườn. Cuối năm 2019 gia đình chị cải tạo đất vườn và đất ruộng 1 vụ của gia đình sang trồng gấc. Đến nay, vườn gấc đã bắt đầu cho thu hoạch, bình quân mỗi ngày gia đình chị thu khoảng gần 100 kg quả chín. Với giá bán 6.000 đồng/kg, chị thu được hơn 500.000 đồng mỗi ngày. Theo chị Hường, chi phí mỗi ha gấc năm đầu tiên vào khoảng hơn 70 triệu đồng bao gồm đầu tư cọc bê tông, dây thép làm giàn, giống, phân bón… các năm tiếp theo chi phí giảm.
Chị Bàn Thị Hường, thôn Quang Hải, xã Vinh Quang (Chiêm Hóa) chăm sóc gấc của gia đình.
Gia đình ông Hoàng Văn Điệp, thôn Ngọc Quang, xã Kim Bình là hộ đầu tiên trồng gấc hàng hóa. Năm 2017 gia đình ông trồng thử 700 m2 gấc, thu gần 20 triệu đồng. Thấy có hiệu quả, năm 2020 gia đình ông trồng thêm 1.300 m2 gấc. Ông còn đứng ra cung ứng giống gấc và thu mua lại sản phẩm gấc cho người dân trong vùng.
Từ mô hình trồng gấc mang lại hiệu quả, hiện thôn Ngọc Quang đã có 16 hộ trồng gấc với 15 ha. Theo người dân, giống gấc bà con trồng là gấc lai, trọng lượng quả bình quân từ 2-3 kg/qủa. Mỗi ha gấc năm đầu có thể cho thu hơn 20 tấn quả. Sau mỗi vụ thu hoạch chỉ cần cắt dây, 2-3 năm sau gốc gấc phát triển cho thu quả nhiều hơn. Hiện giá thu mua quả chín là 6.000 đồng/kg, bình quân mỗi ha gấc cho thu lãi gần 100 triệu đồng/năm.
Hiện trên địa bàn huyện Chiêm Hóa có khoảng hơn 40 ha gấc được trồng tại các xã: Kim Bình, Vinh Quang, Tri Phú, Linh Phú, Phúc Thịnh, Bình Phú. Trong đó, trên địa bàn xã Vinh Quang đã hình thành HTX chuyên thu mua sản phẩm gấc cho người dân trong vùng. Anh Đoàn Văn Trung, thôn Quang Hải, xã Vinh Quang cho biết, từ năm 2015 đến nay gia đình chuyên thu mua, sơ chế màng gấc sấy khô bán lại cho các cơ sở chiết xuất tinh dầu tại các tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên, Bắc Giang. Anh Trung cho biết, năm 2019 cơ sở chế biến 10 tấn màng gấc khô với giá bán bình quân 120.000 đồng/kg. Để tiếp tục mở rộng sản xuất, năm 2020, anh Trung đứng ra thành lập HTX nông nghiệp dịch vụ và thương mại Trung Tín với 10 thành viên chuyên trồng, thu mua, chế biến gấc.
Trồng gấc không chỉ giúp nhiều hộ gia đình tận dụng đất vườn tạp, mang lại nguồn thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, hiện tại, gấc chỉ được trồng nhỏ lẻ trong vườn nhà. Vì vậy, để phát triển mô hình theo hướng sản xuất hàng hóa, chính quyền địa phương cần có định hướng, quy hoạch cụ thể để cây gấc mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Gửi phản hồi