Xã Tân An có 4.490 ha đất lâm nghiệp, trong đó đất có rừng tự nhiên sản xuất trên 1.300ha, đất có rừng trồng sản xuất hơn 1.400ha, đất trồng rừng thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chiêm Hóa là hơn 1.380 ha. Trong 5 năm qua, xã Tân An trồng mới trên 380 ha rừng, đạt 109% kế hoạch, nâng độ che phủ rừng đạt 60%; khai thác gỗ rừng trồng được trên 306 ha, sản lượng đạt trên 25.590m3 gỗ các loại, làm nguyên liệu giấy 1.370 tấn. Trên địa bàn xã đã có 5 xưởng chế biến gỗ rừng trồng tiêu thụ hơn 100m3 gỗ mỗi ngày cho người dân trong xã và các xã lân cận. Đồng chí Ma Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Tân An cho biết, phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững từ việc liên doanh, liên kết, áp dụng thâm canh nâng cao giá trị rừng trồng kết hợp chế biến lâm sản tại chỗ tạo việc làm cho lao động địa phương là nhiệm vụ trọng tâm được cấp ủy, chính quyền xã thực hiện trong thời gian qua.
Xưởng chế biến gỗ của ông Nguyễn Văn Thành, thôn An Phú, xã Tân An (Chiêm Hóa)
tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Nhiều thôn trong xã đã có diện mạo mới nhờ phát triển kinh tế lâm nghiệp. An Phú là một trong những thôn đi đầu trong phát triển kinh tế lâm nghiệp. Hiện thôn chỉ còn 9/157 hộ nghèo. Ông Bùi Xuân Đắc, Trưởng thôn An Phú cho biết, những năm trước đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn do chưa quan tâm đến phát triển kinh tế lâm nghiệp, trong khi lợi thế để phát triển kinh tế lâm nghiệp là rất lớn. Cả thôn có hơn 500 ha rừng, trong đó có hơn 300 ha đất của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chiêm Hóa. Những năm gần đây, thôn đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân về phát triển kinh tế lâm nghiệp, tăng cường liên doanh liên kết với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chiêm Hóa, từ đó nhiều hộ vươn lên làm giàu, không ít hộ có từ 10-25 ha rừng, điển hình như hộ ông Nguyễn Văn Thành. Ông Thành cho biết, năm 2008 gia đình nhận liên doanh 17 ha đất rừng với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chiêm Hóa trồng keo. Đến năm 2014 thu hoạch chu kỳ đầu, sau khi trừ chi phí, chu kỳ đầu thu hoạch gia đình lãi hơn 1 tỷ đồng. Nhận thấy hiệu quả từ phát triển kinh tế lâm nghiệp mang lại, gia đình tiếp tục ký hợp đồng liên doanh trồng keo chu kỳ tiếp theo với công ty. Có vốn từ khai thác rừng, gia đình đầu tư mở xưởng bóc ván gỗ xuất khẩu. Hiện nay, mỗi ngày xưởng bóc ván gỗ của ông tiêu thụ khoảng 20m3 gỗ nguyên liệu cho người dân trong vùng, tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động, bình quân thu nhập đạt 6 triệu đồng/tháng và 20 lao động thời vụ bình quân thu nhập 150.000 - 200.000 đồng/ngày.
Cùng với phát triển kinh tế từ trồng rừng lấy gỗ, nhiều hộ gia đình xã Tân An đã phát triển kinh tế dưới tán rừng. Hộ bà Nguyễn Thị Thắm, thôn Tân Bình có 2 ha đất lâm nghiệp trước đây trồng cây sơn không có hiệu quả. Năm 2016, gia đình bà chuyển đổi sang trồng keo và nhận liên doanh 4 ha đất của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chiêm Hóa trồng keo. Sau khi rừng khép tán tận dụng bóng mát, gia đình bà xây dựng chuồng trại chăn nuôi với 100 con lợn, 300 con gà thả vườn mỗi năm, thu lãi hơn 100 triệu đồng.
Những năm gần đây, phát triển kinh tế lâm nghiệp xã Tân An đã có hướng đi mới, đó là tập trung phát triển trồng rừng gỗ lớn. Hiện nay, tất cả diện tích rừng người dân liên doanh với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chiêm Hóa đã được cấp chứng chỉ rừng quốc tế (FSC). Các mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chiêm Hóa thực hiện trên địa bàn xã để tuyên truyền, hướng dẫn người dân nhân ra diện rộng.
Có thể thấy, đẩy mạnh phát triển kinh tế lâm nghiệp là hướng đi đúng và trở thành “bệ đỡ” giúp xã Tân An thực hiện tốt công tác giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo của xã từ hơn 11,5% năm 2019, đến tháng 9-2020 giảm còn 8,6%. Kinh tế lâm nghiệp chiếm 40% thu nhập toàn xã góp phần nâng mức thu nhập bình quân đầu người của xã đến nay lên 33 triệu đồng/người/năm. Đây là cơ sở để xã hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới vào năm 2021.
Gửi phản hồi