Phóng viên: Nhiệm kỳ qua, Đảng bộ huyện Chiêm Hóa đã lãnh đạo đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng Đảng. Xin đồng chí đánh giá khái quát về công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ huyện trong nhiệm kỳ?
Đồng chí Ma Thế Hồng, Tỉnh Ủy viên, Bí thư Huyện ủy Chiêm Hóa |
Đồng chí Ma Thế Hồng: Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Chiêm Hóa triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ XX trong điều kiện thuận lợi, nhưng cũng không ít thách thức. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã nêu cao tinh thần đoàn kết, phát huy sự năng động, sáng tạo, chỉ đạo tổ chức quán triệt nghị quyết đến toàn thể cán bộ, đảng viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân. Cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã xây dựng chương trình hành động thực hiện nghị quyết phù hợp với thực tiễn từng địa phương, đơn vị; đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy huyện; phân công các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện phụ trách, theo dõi các chi bộ, đảng bộ cơ sở và theo từng lĩnh vực cụ thể, xác định các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm trong từng lĩnh vực, từng thời gian, đề ra các giải pháp cụ thể để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Huyện thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, sâu sát cơ sở, nắm chắc tình hình, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Phóng viên: Một trong những kết quả nổi bật là Chiêm Hóa thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp và đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Xin đồng chí cho biết huyện đã triển khai như thế nào?
Đồng chí Ma Thế Hồng: Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành nghị quyết chuyên đề về lãnh đạo phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2010 - 2015, định hướng đến năm 2020 để tập trung lãnh đạo phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn. Thực hiện tốt các cơ chế chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác khoáng sản, chế biến nông lâm sản… Trong nhiệm kỳ, huyện đã có 5 dự án công nghiệp được đầu tư và đi vào hoạt động. Giá trị sản xuất công nghiệp (giá cố định 1994) năm 2010 đạt 160,1 tỷ đồng, năm 2015 ước đạt 404,6 tỷ đồng, tăng bình quân hàng năm 20,37%.
Huyện tổ chức triển khai đồng bộ các chính sách của Trung ương, của tỉnh về phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn; thực hiện có hiệu quả các đề án, dự án trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp; xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn với thị trường tiêu thụ; chú trọng công tác bảo quản nông, lâm sản sau thu hoạch; khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế trang trại, gia trại có hiệu quả. Ngoài ra, huyện còn chú trọng đầu tư sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi đầu mối, kiên cố hóa kênh mương gắn với quy hoạch ruộng đồng, đường bê tông nội đồng, đáp ứng nhu cầu sản xuất của nhân dân. Các vùng sản xuất hàng hóa tập trung tiếp tục được quy hoạch, phát triển: Cây mía trên 4.200 ha, cây lạc trên 2.600 ha, cây ăn quả trên 1.400 ha, gỗ nguyên liệu trên 24.500 ha. Hệ số sử dụng đất lúa đạt 2,8 lần, giá trị thu nhập 1 ha đất ruộng đạt bình quân trên 66 triệu đồng/năm. Chăn nuôi tiếp tục phát triển, nâng dần tỷ trọng ngành chăn nuôi trong giá trị sản phẩm nông nghiệp, xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại quy mô lớn. Tổng đàn đàn trâu, bò trên 29 nghìn con, đàn lợn trên 120 nghìn con, trên 1 triệu con gia cầm. Chăn nuôi thủy sản hàng hóa đang được phát triển mạnh, trên địa bàn huyện có gần 300 lồng cá, trong đó có 90 lồng cá đặc sản (cá chiên, cá lăng và cá bỗng).
Ban Thường vụ Huyện ủy Chiêm Hóa họp đánh giá tình hình, tiến độ chuẩn bị Đại hội.
Phóng viên: Kinh tế phát triển đã góp phần nâng cao đời sống của nhân dân. Công tác giảm nghèo, công tác xã hội hóa giáo dục đã được huyện chú trọng và đạt được kết quả rất quan trọng. Đồng chí có thể chia sẻ những kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ đạo của huyện về công tác này?
Đồng chí Ma Thế Hồng: Trong 5 năm, huyện đã có 9.138 hộ thoát nghèo và rất nhiều hộ xung phong thoát nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm trên 6%/năm. Năm 2010 có 49,78% hộ nghèo, đến hết năm 2015 giảm xuống còn 17,79%, vượt mục tiêu nghị quyết đề ra. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 18 triệu đồng/năm; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện. Để đạt được kết quả đó, cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành từ huyện đã đồng bộ vào cuộc, tìm hiểu, khảo sát, rà soát các hộ nghèo, hộ cận nghèo để biết rõ điều kiện, hoàn cảnh của từng hộ, xác định được nguyên nhân chính dẫn đến nghèo để có giải pháp cụ thể. Huyện đã huy động nguồn trợ giúp từ các ngành, các cơ quan, phân công các cơ quan, đơn vị phụ trách trực tiếp giúp đỡ các hộ nghèo; thực hiện lồng ghép nhiều chương trình phát triển kinh tế xã hội, hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, hướng dẫn kỹ thuật, vay vốn sản xuất, cách làm ăn; huy động cả hệ thống chính trị và cộng đồng tham gia giúp đỡ hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.
Về xã hội hóa giáo dục, huyện đã tập trung làm tốt công tác tuyên truyền để vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia bằng nhiều hình thức như tổ chức các chương trình văn nghệ quyên góp, ủng hộ các em học sinh nghèo vượt khó; quyên góp tiền mặt, hiện vật, ngày công lao động để tu sửa nhà, phòng học, khuôn viên trường học; quyên góp sách vở, đồ dùng học tập, đồ chơi… Sự phối hợp ba môi trường giáo dục giữa gia đình, nhà trường và xã hội thường xuyên hơn. Điển hình như trong chương trình phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đã huy động được các nguồn lực trong xã hội để xây dựng gần 100 phòng học, trang bị đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học... với tổng số tiền trên 7,2 tỷ đồng; góp phần tích cực vào việc thực hiện hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2013.
Cơ sở sản xuất đũa tách xuất khẩu của công ty cổ phần sản xuất - xuất khẩu Phúc Lâm,
Cụm công nghiệp An Thịnh (Chiêm Hóa).
Phóng viên: Chiêm Hóa là huyện giàu bản sắc văn hóa. Bên cạnh việc phát triển kinh tế, huyện đã quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa dân tộc như thế nào?
Đồng chí Ma Thế Hồng: Đảng bộ và các cấp chính quyền huyện luôn quan tâm, làm tốt công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực văn hóa; đẩy mạnh công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa thông tin, thể thao, huy động mọi nguồn lực và thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, nhất là ở thôn, bản. Huyện chú trọng phục hồi, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, di tích lịch sử cách mạng, phong tục, tập quán tốt đẹp của các dân tộc như kiến trúc nhà ở, tiếng nói, chữ viết, trang phục, dân ca, dân vũ; khuyến khích và tạo điều kiện cho các cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn, giao lưu văn nghệ quần chúng ở cơ sở, phát huy các tiết mục văn nghệ quần chúng được khai thác từ vốn văn hóa các dân tộc như hát then, cọi của dân tộc Tày, múa cấp sắc của dân tộc Dao; mở các lớp dạy và thành lập 44 câu lạc bộ hát then, đàn tính.
Phóng viên: Để hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX đề ra thì đội ngũ cán bộ, đảng viên đóng vai trò quan trọng. Công tác cán bộ được huyện chú trọng thế nào?
Đồng chí Ma Thế Hồng: Trong nhiệm kỳ qua, các cấp ủy từ huyện đến cơ sở xác định phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết chuyên đề nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ huyện đến cơ sở. Đến nay tỷ lệ cán bộ, công chức xã, thị trấn có trình độ chuyên môn trung cấp trở lên chiếm 96,2%, trong đó có trình độ cao đẳng, đại học chiếm trên 50%; cán bộ lãnh đạo, quản lý, nghiên cứu tổng hợp cấp huyện có trình độ chuyên môn đại học chiếm 100%, trình độ trên đại học 6,3%. Huyện chú trọng công tác cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ dân tộc thiểu số. Nhiệm kỳ 2010 - 2015, tỷ lệ cán bộ nữ toàn huyện chiếm 25,2%, cán bộ trẻ 26,8%, cán bộ là người dân tộc thiểu số 79%.
Lễ hội Lồng tông huyện Chiêm Hóa năm 2015. Ảnh: Quang Hòa
Phóng viên: Phát huy những kết quả đã đạt được, Đảng bộ huyện sẽ có những mục tiêu và định hướng gì cho chặng đường tiếp theo?
Đồng chí Ma Thế Hồng: Nhiệm kỳ mới, Đảng bộ huyện đề ra 15 nhóm mục tiêu chủ yếu với 23 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Để thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đó, Đảng bộ tiếp tục phát huy truyền thống quê hương cách mạng, huyện Anh hùng, huy động các nguồn lực, khai thác tiềm năng, thế mạnh của huyện trên các lĩnh vực, nhất là sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa tập trung, công nghiệp chế biến nông lâm sản, thương mại, du lịch, dịch vụ; tập trung xây dựng nông thôn mới. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên gắn với học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, trọng tâm là nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, xây dựng hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở thực sự trong sạch vững mạnh. Với phương châm “Đoàn kết, đổi mới, năng động, sáng tạo, hội nhập, phát triển” và tinh thần “Dân chủ, kỷ cương, quyết tâm, quyết liệt, trách nhiệm, hiệu quả”, Đảng bộ huyện Chiêm Hóa phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ XXI, xây dựng Chiêm Hóa trở thành huyện khá của tỉnh, ngày càng phát triển nhanh và bền vững.
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!
Gửi phản hồi