Tạo sức sống mới ở khu vực nông thôn
Thôn Đồng Chằm, xã Thái Hòa (Hàm Yên) từ ngày có nhà văn hóa mới, chiều nào sân nhà văn hóa cũng đông vui. Cứ hết giờ lao động là bà con trong thôn lại tổ chức chơi bóng chuyền hơi, cầu lông. Đưa chúng tôi thăm nhà văn hóa thôn, ông Nguyễn Văn Sinh, Trưởng thôn Đồng Chằm chia sẻ, ông cũng như bà con rất vui vì thôn đã có nơi sinh hoạt khang trang đầy đủ tiện nghi, âm thanh loa đài, quạt trần, sân thi đấu thể thao và bàn ghế đủ chỗ ngồi cho 154 hộ dân. Nhờ có Nghị quyết 03 và Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới mà thôn mới có được ngôi nhà văn hóa như vậy. Phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ” đã có tác động lớn khích lệ nhân dân trong thôn tham gia đóng góp công của để xây dựng. Trong thôn có người đóng góp 300.000 đồng, có người đóng góp 18 triệu đồng. Tất cả những hộ tham gia đóng góp xây dựng đều được ghi lại trên bảng một cách trang trọng.
Nhà văn hóa thôn Nặm Chá, xã Lăng Can (Lâm Bình) được xây dựng khang trang đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cộng đồng của nhân dân. Ảnh: Quốc Việt |
Thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang vốn là một thôn vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn của huyện Lâm Bình. Ngay sau khi có Nghị quyết 03, bà con nhân dân trong thôn đã tranh thủ đăng ký khối lượng kênh mương đúc sẵn để cải tạo hệ thống dẫn nước từ thượng nguồn vượt qua các khe núi về tưới cho cánh đồng 24 ha của thôn với chiều dài trên 700 m. Đưa chúng tôi đi xem những thành quả của thôn, Trưởng thôn Phù Đức Trường cho biết, từ thực hiện Nghị quyết 03, thôn đã làm được 2 km đường bê tông, 2 cây cầu qua 2 con suối vốn chia tách thôn Thượng Minh thành 2 xóm, đồng thời xây dựng xong nhà văn hóa thôn. Ngay trước mắt chúng tôi là cánh đồng lúa 2 vụ với màu xanh phủ kín nhờ nguồn nước mới. Với việc đảm bảo nguồn nước tưới cho 2 vụ thì bà con không lo thiếu lương thực. Trong thôn có 2 hộ hiến 270 m2đất để làm nhà văn hóa và sân thể thao. Để có cát sỏi xây dựng, bà con phải xuống suối lấy. Đường sá khó khăn, việc vận chuyển vô cùng vất vả nhưng quyết tâm làm thì mọi việc cũng xong.
Tính đến hết tháng 11-2018, toàn tỉnh đã lắp đặt hoàn thành được 505 km kênh mương bằng cấu kiện bê tông đúc sẵn; xây dựng được 267 km đường bê tông nội đồng; có 405 nhà văn hóa thôn bản đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Từ những con số trên cho thấy, Nghị quyết 03 đã thực sự đi vào cuộc sống, đã góp phần làm thay đổi diện mạo, tạo nên sức sống mới ở khu vực nông thôn. Nhiều thôn bản, sau khi có nhà văn hóa gắn với sân thể thao đã thực sự phát huy hiệu quả, đặc biệt là phong trào văn hóa, văn nghệ của thôn được phát triển, nhiều thôn đã tổ chức giao lưu thi đấu thể thao, biểu diễn văn nghệ sôi nổi, góp phần quan trọng xây dựng tinh thần đoàn kết, xây dựng nếp sống mới ở khu dân cư. Từ Nghị quyết 03 đã hình thành được những con đường mới vào sâu trong những cánh đồng vốn xưa nay rất khó khăn trong việc thu hoạch, mở ra tiềm năng mới để nâng cao khả năng canh tác. Hệ thống kênh mương ở các địa phương được kiên cố hóa bằng cấu kiện bê tông đúc sẵn đã góp phần quan trọng vào ổn định, nâng cao hiệu suất khai thác đất từ nguồn tưới tiêu.
Triển khai đồng bộ, hiệu quả
Ngay sau khi có Nghị quyết 03, cấp huyện, xã đã thành lập các Ban chỉ đạo để tổ chức triển khai thực hiện 3 công trình theo Nghị quyết. UBND tỉnh ban hành các hướng dẫn về thiết kế mẫu, cách lập dự toán mẫu và trình tự, thủ tục, kỹ thuật thi công kiên cố hóa kênh mương và xây dựng nhà văn hóa thôn, bản bằng cấu kiện bê tông đúc sẵn để các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh làm căn cứ thực hiện.
Đoàn viên, thanh niên huyện Hàm Yên tham gia vận chuyển, lắp đặt kênh mương bằng cấu kiện bê tông đúc sẵn tại thôn Thuốc Thượng 3, xã Tân Thành |
Đề án thực hiện Nghị quyết 03 giai đoạn 1 xác định trong 4 năm, từ 2016 đến 2020, nhưng nhờ có nhiều yếu tố thuận lợi nên việc cung ứng hỗ trợ nhân dân được thực hiện sớm so với kế hoạch. Cụ thể, năm 2017 sớm hơn 2 tháng, năm 2018 thực hiện sớm hơn 3 tháng. Tỉnh xác định năm 2019 sẽ hoàn thành đề án, sớm hơn 1 năm. Có được như vậy là nhờ sự quan tâm lãnh chỉ đạo sát sao của các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở; sự phối hợp của các sở, ban, ngành liên quan trong công tác tham mưu, hướng dẫn; UBND các huyện, thành phố đã tích cực chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tổ chức triển khai thực hiện để hoàn thành kế hoạch kiên cố hóa kênh mương theo Nghị quyết số 03. Công tác kiểm tra, theo dõi, giám sát quá trình tổ chức, triển khai thực hiện xây dựng các công trình ở cơ sở luôn kịp thời. Hàng tuần, các địa phương đều có báo cáo về tiến độ; hàng tháng, hàng quý lãnh đạo UBND tỉnh đều kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết 03 ở các địa phương, từ đó giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc ngay tại cơ sở.
Điều quan trọng là người dân tự nguyện đóng góp tiền, ngày công, vật liệu, hiến đất để tổ chức kiên cố hóa kênh mương của các xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh. Cùng với đó là các nhà thầu cung ứng cấu kiện đã thực hiện đúng hợp đồng ký kết với Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Xây dựng và UBND các huyện, thành phố để phục vụ việc thi công, lắp đặt các công trình đảm bảo yêu cầu về tiến độ, kỹ thuật và chất lượng. Việc tổ chức cung ứng, tiếp nhận cấu kiện diễn ra thuận lợi đảm bảo tiến độ.
Trong quá trình thực hiện, nhiều địa phương đã có nhiều sáng kiến, cách làm hay, từ đó nhân rộng ra toàn tỉnh. Đơn cử như việc thực hiện lắp đặt kênh mương đúc sẵn, các nhà thầu đã tạo điều kiện tối đa, vật liệu được chuyển đến tới những điểm tập kết mà ô tô không thể vào được. Những máng bê tông đúc sẵn nặng lên tới 150 kg, nếu để 1 thôn làm thì nhiều nơi không đủ sức, nên hầu hết các xã đều huy động nhân lực từ đội ngũ dân quân, tự vệ, thanh niên, thậm chí có địa phương huy động tới cả học sinh THPT vận chuyển, lắp đặt.
Ngay thời điểm đầu thực hiện Nghị quyết 03, xã Hòa An (Chiêm Hóa) cũng như một số xã của huyện gặp khó khăn về nguồn khai thác cát sỏi. Do vậy để có vật liệu làm đường bê tông, bà con chủ yếu phải mua nên mức đóng góp khá cao. Tuy nhiên, qua công tác tuyên truyền, vận động hiệu quả, nhờ chủ trương hợp lòng dân và việc triển khai làm điểm ở thôn Lăng Hối thành công nên bà con nhân dân hết sức ủng hộ. Người dân trong xã đã hiến hàng nghìn m2 đất để làm đường và kênh mương. Để đảm bảo chất lượng đường, bà con còn thuê cả máy trộn bê tông, máy đầm, thực hiện đúng quy trình hướng dẫn nên chất lượng đường bê tông và kênh mương đảm bảo. Để các thôn khác trong xã học tập kinh nghiệm lẫn nhau, Đảng ủy xã chỉ đạo bí thư chi bộ, trưởng 18 thôn cùng với cán bộ công chức xã trực tiếp làm cùng bà con, từ làm mặt bằng, đổ bê tông và lắp ghép kênh mương. Đến thôn nào, đội ngũ cán bộ thôn đã nắm chắc quy trình, kỹ thuật từ cách đo đạc, cách lèn đất… nên khi triển khai thực hiện ở thôn mình thuận lợi hơn.
Ông Bùi Chí Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết 03, đến thời điểm này có thể nói là thành công. Tuy nhiên, hiện hầu hết những điểm dễ làm thì đã thực hiện trước đó, do vậy để hoàn thành mục tiêu Đề án giai đoạn 1 ngay trong năm 2019 thì các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực hưởng ứng thực hiện; tăng cường tổ chức kiểm tra tình hình thực hiện xây dựng 3 công trình theo Nghị quyết, kịp thời phát hiện những tồn tại, hạn chế, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện tại cơ sở để chỉ đạo các giải pháp thực hiện có hiệu quả. Đồng thời tổ chức thực hiện tốt việc cung ứng cấu kiện kênh bê tông đúc sẵn và cấu kiện nhà văn hóa cho các xã, phường, thị trấn trên địa bàn các huyện, thành phố kịp thời đảm bảo theo kế hoạch cung ứng và thời gian.
Gửi phản hồi