Kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển
Kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh quý I, phương hướng nhiệm vụ quý II - 2022 là nội dung đầu tiên được các đại biểu tập trung thảo luận trong phiên họp tháng 3 này. Đánh giá chung, tình hình kinh tế - xã hội trong quý I tiếp tục phát triển.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn chủ trì phiên họp. Ảnh: Việt Hoà.
Trong đó, du lịch có bước phát triển khá, 3 tháng đầu năm thu hút gần 425.000 lượt khách du lịch, doanh thu đạt 411 tỷ đồng. Tỉnh đã kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, duy trì công suất hoạt động các nhà máy, giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 32.000 tỷ đồng, môi trường kinh doanh được cải thiện. Tuy nhiên, trong quý I, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, số ca mắc Covid-19 tăng cao, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm.
Các đại biểu tập trung thảo luận các giải pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án phát triển hạ tầng giao thông như dự án đường cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ kết nối với đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang; tháo gỡ khó khăn trong sản xuất công nghiệp, giải ngân vốn đầu tư công, công tác chuẩn bị điều kiện cho các hoạt động du lịch; đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng, kiểm soát dịch bệnh Covid-19 hiệu quả, thích ứng an toàn trong tình hình mới, song phải đảm bảo phát triển kinh tế.
Kết luận nội dung này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tập trung cao độ thời gian, công sức, nguồn lực thực hiện các đề án, chương trình kinh tế - xã hội của tỉnh; thực hiện hiệu quả Kết luận số 12 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết số 38/NQ-CP về Chương trình phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời, tập trung triển khai các dự án lớn trong và ngoài ngân sách; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; có phương án thích ứng linh hoạt, an toàn để nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp.
Các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Việt Hoà.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, ngay trong những ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4 tới, tỉnh sẽ tổ chức nhiều hoạt động kích cầu du lịch, các địa phương cần triển khai nhiều hoạt động hưởng ứng, tạo thành chuỗi các sự kiện, thu hút sự quan tâm của du khách. Trong công tác phòng chống dịch, ngành Y tế phải đẩy mạnh bao phủ vắc xin, đến hết quý I tiêm mũi 3 cho trên 80% dân số; chuẩn bị các điều kiện tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, quan tâm theo dõi sức khỏe đối với những người dễ bị tổn thương, hạn chế thấp nhất người nhiễm Covid-19 chuyển biến nặng. Về việc tổ chức dạy và học phải đảm bảo các điều kiện để trẻ được đến trường...
Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo trên 3%/năm
Đề án giảm nghèo bền vững, tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021-2025 đặt ra mục tiêu giảm nghèo bền vững, bao trùm, hạn chế tái nghèo và nghèo phát sinh, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, trọng tâm là các huyện nghèo, địa bàn đặc biệt khó khăn, khu vực nông thôn; hỗ trợ hộ nghèo, hộ nghèo phát triển kinh tế, tạo việc làm, tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao chất lượng cuộc sống. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân trên 3%/năm, trong đó hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm bình quân từ 4%/năm trở lên...
Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Việt Hoà.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn cơ bản đồng tình với mục tiêu của đề án, tuy nhiên cần phải tính toán nguồn lực thực hiện. Đồng chí yêu cầu Sở Lao động và Thương binh và Xã hội, Sở Kế hoạch và Đầu tư làm việc với các bộ, ngành liên quan xây dựng kế hoạch đề xuất với Chính phủ trong việc phân bổ nguồn vốn của Trung ương và vốn đối ứng của tỉnh đảm bảo thực hiện hiệu của mục tiêu của đề án.
Nâng thứ hạng chuyển đổi số
Về dự thảo Kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVII) về chuyển đổi số tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh từng bước nâng thứ hạng chỉ số chuyển đổi số, phấn đấu đến năm 2025, Tuyên Quang là 1 trong những tỉnh xếp hạng khá, đến năm 2030 là tỉnh nằm trong nhóm dẫn đầu khu vực miền núi phía Bắc.
Lãnh đạo Sở Công Thương phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Việt Hoà.
Các đại biểu đều cho rằng, hạ tầng công nghệ thông tin, băng thông rộng, cáp quang, kết nối internet tương đối đồng bộ, đầy đủ. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là nguồn nhân lực thực hiện chuyển đổi số vẫn còn hạn chế. Do đó cần phải có chiến lược trong việc thực hiện đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ để đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cơ bản đồng tình với mục tiêu của Kế hoạch. Tuy nhiên cần phải thay đổi nhận thức về tầm quan trọng của công cuộc chuyển đổi số, trước tiên là người đứng đầu sở, ngành phải thay đổi. Thực tế tại nhiều việc cơ quan, đơn vị chưa được đánh giá đúng mức. Về nguồn lực, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, tất cả các cơ quan, đơn vị phải phân công 1 cán bộ phụ trách công tác chuyển đổi số. Đồng thời, phải có kế hoạch đào tạo lại, đảm bảo đội ngũ đáp ứng yêu cầu đặt ra. Riêng về vấn đề đầu tư hạ tầng ứng dụng, Sở Thông tin và Truyền thông cần tính toán hạng mục nào cần đầu tư trước ưu tiên làm trước, phù hợp với từng giai đoạn.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn phát biểu kết luận phiên họp. Ảnh: Việt Hoà.
Phiên họp cũng thông qua một số nội dung quan trọng khác: Kế hoạch tổ chức Lễ hội Thành Tuyên năm 2022; tờ trình dự thảo Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; tờ trình dự thảo Quyết định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các sở, ngành...
Về Kế hoạch tổ chức Lễ hội Thành Tuyên, đồng chí Chủ tịch UBND yêu cầu ngay từ bây giờ, các ngành, các địa phương bắt tay vào chuẩn bị chu đáo các điều kiện để khởi động lại lễ hội trong tình hình mới. Coi đây là cơ hội để quảng bá mảnh đất, con người Tuyên Quang đến đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế.
Gửi phản hồi