Dự tại điểm cầu Tỉnh ủy có các đồng chí: Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chuyển đổi số của tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh. Chủ trì tại điểm cầu Tập đoàn FPT có Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn FPT.
Đại biểu dự điểm cầu Tỉnh ủy.
Dự tại điểm cầu huyện Chiêm Hóa có đồng chí Hà Đức Tập, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện; các đồng chí lãnh đạo HĐND huyện; UBND huyện; các đồng chí: Ủy viên BTV Huyện ủy; Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XXII; thủ trưởng các cơ quan, và điểm cầu tại các xã, thị trấn.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Thị Kim Dung phát biểu khai mạc hội nghị.
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Thị Kim Dung nhấn mạnh, chuyển đổi số là vấn đề mới và rất khó, nhưng là tất yếu quá trình phát triển của thế giới, hiện tại và trong tương lai. Vì vậy, nhận thức không đúng, phương pháp triển khai không phù hợp sẽ không đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đề ra, ảnh hưởng đến quá trình phát triển. Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các đại biểu dự hội nghị tại các điểm cầu nêu cao tinh thần, trách nhiệm, tập trung cao độ để nghiên cứu tiếp thu đầy đủ những nội dung Nghị quyết của Tỉnh ủy; Kế hoạch của UBND tỉnh, đảm bảo có sự chuyển biến mạnh mẽ, hiệu quả về công tác chuyển đổi số.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn đã phổ biến, quán triệt Nghị quyết số 48-NQ/TU, ngày 15-11-2021 của BCH Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Đồng chí khẳng định: Chuyển đổi số là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Tỉnh lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, định hướng mở để người dân, doanh nghiệp và các tổ chức tham gia một cách phù hợp vào hoạt động của cơ quan Nhà nước.
Mục tiêu đổi mới toàn diện công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, vận hành hệ thống quản lý Nhà nước và xã hội, xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số; duy trì và từng bước nâng cao thứ hạng của tỉnh trên bảng xếp hạng chỉ số chuyển đổi số (DTI), phấn đấu đến năm 2025 Tuyên Quang là 1 trong những tỉnh xếp loại khá, đến năm 2030 nằm trong nhóm dẫn đầu khu vực miền Bắc.
Đại biểu dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu huyện Chiêm Hóa.
Nhiệm vụ và giải pháp đặt ra là tạo nền móng chuyển đổi số, trong đó tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp và trách nhiệm người đứng đầu đối với quá trình chuyển đổi; phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và đảm bảo an toàn an ninh mạng…
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Việt Phương phổ biến Kế hoạch số 55/KH-UBND, ngày 12-4-2022 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, tỉnh dành nguồn lực và thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, nâng cao hiệu lực hoạt động; phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số.
Hội nghị đã được Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn FPT trực tiếp truyền đạt chuyên đề giới thiệu kiến thức tổng quan và những nội dung trọng tâm về chuyển đối số; tác động, lợi ích, tính tất yếu của chuyển đổi số đối với cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp và người dân; vai trò, phương pháp, kinh nghiệm lãnh đạo trong xây dựng và triển khai chiến lược chuyển đổi số. Đây là những nội dung hết sức quan trọng, ý nghĩa và bổ ích, giúp các đồng chí lãnh đạo quản lý, cán bộ, đảng viên kịp thời cập nhật những kiến thức mới về lý luận và thực tiễn, phục vụ quá trình quản lý, điều hành, thực hiện nhiệm vụ trên các lĩnh vực công tác.
Đại biểu dự hội nghị trực tuyến các điểm cầu.
Dưới sự chủ trì của Thường trực Tỉnh ủy và lãnh đạo Tập đoàn FPT các đại biểu đã thảo luận về các vấn đề xây dựng và phát triển hạ tầng, nền tảng số, nguồn lực chuyển đổi đối; sự tham gia của các doanh nghiệp về công nghệ số; công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; quản lý tài nguyên và môi trường…
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm phát biểu kết luận hội nghị.
Kết luận hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm nhấn mạnh, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định chuyển đổi số là một nội dung trong 6 nhiệm vụ trọng tâm và ba đột phá của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030. Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các nghị quyết, quyết định, chương trình hành động thực hiện chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Thực hiện chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 48-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, đã xác định đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số là một trong những giải pháp đột phá góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp theo.
Tuyên Quang đã đạt tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Việc ứng dụng công nghệ thông tin và phần mềm dùng chung trong cơ quan Nhà nước như Cổng dịch vụ công và hệ thống 1 cửa điện tử tỉnh; hệ thống quản lý văn bản và điều hành; hệ thống hội nghị trực tuyến từng bước được đầu tư…
Đến nay, mạng thông tin di động và truyền dẫn cáp quang sóng di động 4G đã phủ sóng đến 100% các địa bàn, khu vực tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được việc phát triển hạ tầng công nghệ thông tin chuyển đổi số còn nhiều khó khăn, thách thức. Sớm đưa Nghị quyết vào thực hiện hiệu quả, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc việc học tập, quán triệt, triển khai Nghị quyết, Kế hoạch của tỉnh về chuyển đổi số. Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn, bảo đảm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong năm 2022, "Năm đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng lấy người dân làm trung tâm, toàn dân và toàn diện”, với định hướng xuyên suốt là đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp thụ hưởng trực tiếp sự tiện lợi cũng như lợi ích của chuyển đổi số.
Về phát triển chính quyền số, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu, triển khai tốt cơ sở dữ liệu dùng chung hệ thống hóa tài nguyên dữ liệu, tăng cường quản trị, nâng cao chất lượng dữ liệu và thúc đẩy chia sẻ dữ liệu dùng chung.
Về phát triển kinh tế số, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số để quảng bá, giới thiệu tiềm năng lợi thế phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhất là phát triển nông, lâm nghiệp, dịch vụ, công nghiệp, thương mại…
Về xã hội số, có giải pháp đẩy mạnh thanh toán điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong thanh toán không dùng tiền mặt, dạy học trực tuyến, điều trị bệnh trực tuyến, xây dựng dữ liệu dân cư…
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu, các cơ quan, đơn vị xác định trách nhiệm chuyển đổi số, trách nhiệm của người đứng đầu, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân; các doanh nghiệp đầu tư, phát triển, kinh doanh công nghệ thông tin, công nghệ số, các doanh nghiệp viễn thông xác định rõ triển khai nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng chuyển đổi số của tỉnh là quyền lợi và trọng trách của đơn vị.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, không đẩy mạnh chuyển đổi số sẽ bị tụt hậu, do đó đòi hỏi người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải quyết liệt tổ chức thực hiện Nghị quyết phù hợp với thực tiễn, bảo đảm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội...
Gửi phản hồi