Đồng chí Nguyễn Hải Anh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh |
Phóng viên: Thưa đồng chí, Chương trình hợp tác phát triển du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” đã có những tác động tích cực đối với ngành du lịch nói riêng và đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội nói chung của các tỉnh như thế nào?
Đồng chí Nguyễn Hải Anh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Các tỉnh chiến khu Việt Bắc là những địa phương giàu truyền thống yêu nước, nơi có nhiều di tích lịch sử cách mạng đặc biệt quan trọng, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng, người dân trung kiên, thân thiện, mến khách, là nơi kết tinh, hội tụ, giao thoa của nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc. Đây là những tiềm năng và lợi thế to lớn để các tỉnh Việt Bắc hợp tác, thúc đẩy du lịch phát triển.
Những kết quả tích cực từ Chương trình hợp tác phát triển du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” giai đoạn 2009 - 2015 vừa qua đã khẳng định tầm nhìn chiến lược và hướng đi đúng của lãnh đạo các tỉnh Việt Bắc trong đẩy mạnh hợp tác, kết nối khu vực để xây dựng nền tảng và tạo động lực thúc đẩy ngành du lịch các tỉnh Việt Bắc từng bước phát triển.
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng sâu sắc, tác động và ảnh hưởng qua lại hữu cơ với nhau. Vì vậy, để góp phần đưa du lịch phát triển hiệu quả, bền vững thì việc kết nối và hợp tác khu vực phải được hết sức coi trọng nhằm phát huy tối đa lợi thế của mỗi địa phương. Qua hợp tác, liên kết, các tỉnh sẽ hợp lực trong khai thác tài nguyên du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch, các tour, tuyến du lịch độc đáo, đặc trưng, riêng có của khu vực, cũng như hợp lực trong xúc tiến, quảng bá để nâng cao sức thu hút, sức hấp dẫn của toàn khu vực đối với du khách trong nước và quốc tế.
Chương trình hợp tác phát triển du lịch “Qua những miền di sản Việc Bắc” thời gian qua đã mang lại những tác động tích cực. Nhiều sản phẩm du lịch mới, nhiều tour, tuyến liên vùng và giữa khu vực Việt Bắc với các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đã được xây dựng. Công tác phát triển sản phẩm du lịch cũng như quảng bá, xúc tiến du lịch được 6 tỉnh Việt Bắc hết sức chú trọng trên tinh thần khai thác hiệu quả những giá trị lịch sử cách mạng, bản sắc văn hóa và cảnh quan thiên nhiên riêng có của mỗi tỉnh.
Một số sản phẩm du lịch thu hút sự quan tâm lớn của du khách như Hà Giang có Lễ hội hoa Tam Giác Mạch, Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn; Thái Nguyên có Festival Chè, An toàn khu Định Hóa, Hồ Núi Cốc; Bắc Kạn có Hồ Ba Bể; Lạng Sơn có Khu du lịch Mẫu Sơn; Cao Bằng có Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Rừng Trần Hưng Đạo, thắng cảnh thác Bản Giốc; Tuyên Quang có Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào, suối khoáng Mỹ Lâm, hồ thủy điện Nà Hang. Đặc biệt là Lễ hội Thành Tuyên của Tuyên Quang đã trở thành thương hiệu du lịch hết sức độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa và hương vị của miền đất Tuyên Quang, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế.
Có thể khẳng định, Chương trình hợp tác phát triển du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” đã có những tác động hết sức tích cực đến sự phát triển của ngành du lịch nói riêng cũng như đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế - xã hội của các tỉnh Việt Bắc thời gian qua. Tổng số khách du lịch đến 6 tỉnh trong giai đoạn 2009 - 2015 là gần 33 triệu lượt khách, tổng thu xã hội về du lịch của các tỉnh trong khu vực đạt trên 16.300 tỷ đồng, trong đó riêng Tuyên Quang đã đón trên 5,5 triệu lượt khách. Sự phát triển bước đầu của du lịch 6 tỉnh Việt Bắc đã tạo hiệu ứng mạnh mẽ trong thu hút đầu tư.
Bên cạnh việc nhiều doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch và dịch vụ của 6 tỉnh Việt Bắc đã mạnh dạn đầu tư nâng cấp và xây mới cơ sở vật chất kỹ thuật và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, thời gian qua, một số tập đoàn lớn cũng đã triển khai nhiều dự án đầu tư những tổ hợp khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp trên địa bàn 6 tỉnh Việt Bắc như Tập đoàn Vingroup, Mường Thanh, Xuân Trường, Saigontourist... Tổng số vốn đầu tư vào lĩnh vực du lịch của 6 tỉnh Việt Bắc từ các nguồn trong 7 năm qua đạt trên 25 nghìn tỷ đồng.
Một góc hồ Thủy điện Tuyên Quang. Ảnh: Thanh Phúc
Ngoài những tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế, góp phần giảm nghèo bền vững, sự phát triển của ngành du lịch đã góp phần tích cực trong thay đổi nhận thức của các cấp, các ngành về vị trí, vai trò của du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội, trong bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường để phát triển du lịch bền vững, đặc biệt là nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, nét cư xử và ứng xử văn minh trong cuộc sống hàng ngày, góp phần xây dựng một hình ảnh Việt Bắc thân thiện, mến khách.
Phóng viên: Xin đồng chí cho biết, định hướng và giải pháp hợp tác phát triển du lịch trong thời gian tới để du lịch thực sự là khâu đột phá của mỗi địa phương?
Đồng chí Nguyễn Hải Anh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Ngành du lịch 6 tỉnh Việt Bắc bước đầu có sự tăng trưởng, nhưng còn chưa khai thác hết tiềm năng, còn rất nhiều dư địa để phát triển hơn nữa. Những chỉ đạo, giải pháp và quyết tâm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Chính phủ thời gian gần đây mở ra nhiều cơ hội và điều kiện để du lịch 6 tỉnh Việt Bắc phát triển. Nhưng cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, ngành du lịch của 6 tỉnh Việt Bắc vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức lớn cần sớm khắc phục.
Một trong những khó khăn đó là hạ tầng du lịch còn yếu kém; sản phẩm du lịch và các tour, tuyến du lịch chưa có sức cạnh tranh trong mối tương quan với sản phẩm du lịch ở các vùng miền, địa phương khác; nhân lực du lịch còn thiếu và yếu, chất lượng chưa cao; công tác xúc tiến, quảng bá chưa theo kịp yêu cầu của xúc tiến, quảng bá du lịch chuyên nghiệp và hiện đại.
Một trong những yếu tố quan trọng tạo nên sức mạnh hợp tác du lịch 6 tỉnh Việt Bắc đó là sự quyết tâm của lãnh đạo và nhân dân 6 tỉnh trong đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Đây là mục tiêu và động lực để 6 tỉnh Việt Bắc đề ra những giải pháp phù hợp trong thúc đẩy hợp tác phát triển du lịch.
Trong khuôn khổ của Chương trình hợp tác phát triển du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” năm 2016 tại Tuyên Quang lần này, lãnh đạo các tỉnh Việt Bắc cùng lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở trung ương, các chuyên gia về du lịch, các cán bộ quản lý du lịch các tỉnh, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch sẽ có buổi tọa đàm để tổng kết, đánh giá một cách khách quan nhất những kết quả đạt được trong thời gian qua; phân tích, nhìn nhận thẳng thắn những vấn đề, những tồn tại, hạn chế trong hợp tác phát triển du lịch 6 tỉnh, để từ đó thảo luận, đưa ra những giải pháp phù hợp và xây dựng một chương trình hành động hợp tác du lịch 6 tỉnh Việc Bắc giai đoạn 2016 - 2020.
Sẽ có nhiều nội dung, nhiều vấn đề được nêu trong buổi tọa đàm quan trọng này, trong đó một số vấn đề cốt lõi như tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng về vị trí, vai trò và tác động tích cực của du lịch đối với phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và xây dựng nếp sống văn hóa ở cơ sở; việc phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch đặc trưng của từng địa phương; xây dựng tour, tuyến du lịch, tạo chuỗi sản phẩm liên vùng có sức cạnh tranh và sức hấp dẫn cao; công tác phát triển thị trường, xúc tiến quảng bá du lịch chung của 6 tỉnh theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, khai thác những lợi thế từ công nghệ thông tin và mạng internet; vấn đề hợp tác công - tư giữa cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh du lịch trong xúc tiến, quảng bá du lịch; công tác xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu du lịch 6 tỉnh Việt Bắc, cập nhật bản đồ du lịch Việt Bắc; công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch có chất lượng, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới; công tác mời gọi, thu hút đầu tư từ các tập đoàn, doanh nghiệp có uy tín, có kinh nghiệm và có tiềm lực trong hoạt động du lịch; việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử du lịch với những nét đặc trưng, phù hợp với phong tục tập quán và truyền thống văn hóa của 6 tỉnh Việt Bắc.
Với truyền thống cách mạng, sự nhất trí, đồng lòng và quyết tâm cao, cùng với chương trình hành động và những giải pháp phù hợp, chắc chắn Chương trình hợp tác phát triển du lịch 6 tỉnh “Qua những miền di sản Việt Bắc” thời gian tới sẽ tiếp tục mang lại những kết quả to lớn, đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành du lịch tỉnh Tuyên Quang nói riêng và du lịch 6 tỉnh Việt Bắc nói chung, góp phần quan trọng vào việc xây dựng một không gian văn hóa - du lịch đậm bản sắc và phong cách của 6 tỉnh Việt Bắc, đưa thương hiệu du lịch 6 tỉnh Việt Bắc chiếm lĩnh vị trí quan trọng trong bản đồ du lịch Việt Nam và khu vực.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Gửi phản hồi