Một giờ học theo mô hình "Trường học mới" ở Trường Tiểu học Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa) |
Có trực tiếp tham gia vào giờ học của các học sinh khối 2, 3 trường Tiểu học Vĩnh Lộc, huyện Chiêm Hóa mới cảm nhận rõ được sự thay đổi tích cực mà mô hình “Trường học mới” mang lại. Lớp học được chia thành nhiều nhóm hoạt động tích cực và sôi nổi dưới sự điều hành của nhóm trưởng. Sự thích thú, hào hứng hiện rõ trên khuôn mặt của các em. Một điều rất dễ nhận thấy đó là một số học sinh có tính cách nhút nhát, khi tham gia học nhóm, các em đã hoàn toàn trút bỏ được sự tự ti và đã trở nên mạnh dạn, tự tin để thể hiện khả năng của bản thân.
Trường Tiểu học Vĩnh Lộc là một trong hai trường của huyện Chiêm Hóa được chọn triển khai thí điểm mô hình “Trường học mới”. Với mô hình giáo dục tiên tiến này, đòi hỏi giáo viên phải chủ động tự học, tự tìm tòi, bồi dưỡng. Còn học sinh thì tự học, tự quản lý, tự đánh giá thông qua hình thức học nhóm. Chính yêu cầu này đã đặt ra cho cả giáo viên và học sinh có sự điều chỉnh, thay đổi trong cách dạy và học, nhằm thích ứng một cách nhanh nhất để nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập. Hiện nay, việc triển khai thí điểm mô hình giáo dục mới đang được thực hiện ở ba môn: Toán, Tiếng Việt và Tự nhiên - Xã hội. Tài liệu của 3 môn học này được sử dụng thay sách giáo khoa, sách giáo viên và vở bài tập hiện hành theo thiết kế 3 trong 1. Về nội dung chương trình vẫn được giữ nguyên, duy chỉ có điểm khác biệt rõ nét giữa tài liệu hiện hành và sách giáo khoa cũ, đó là tài liệu hướng dẫn cụ thể về nội dung học tập và các yêu cầu được ghi một cách rõ ràng, chi tiết, tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên thay đổi phương pháp giảng dạy và học sinh thay đổi phương pháp học tập.
Thời gian đầu, do chưa đủ tài liệu và chưa quen với phương pháp giáo dục mới nên giáo viên phải làm việc khá vất vả. Nhưng đến nay, nhờ thay đổi phương pháp tổ chức và dạy học mà học sinh đã tiếp thu bài học một cách nhẹ nhàng, thoải mái hơn. Điều đặc biệt hơn nữa là các em đã được rèn luyện kỹ năng giao tiếp, kỹ năng ứng xử sau mỗi giờ học. Học sinh hứng thú tiếp nhận kiến thức, được làm việc theo nhóm, được tự đánh giá và đánh giá bạn theo từng hoạt động, qua đó đã tạo được tinh thần tự giác học tập cao. Phụ huynh cũng thấy rõ sự thay đổi, tiến bộ của con em mình nên đã cùng chung tay góp sức trong việc trang trí lớp học và hướng dẫn học sinh thực hiện hoạt động ứng dụng nên chất lượng giáo dục của các trường thí điểm mô hình “Trường học mới” được nâng lên rõ rệt.
Học sinh thực sự say mê nghiên cứu bài khi được học theo mô hình "Trường học mới" |
Để mô hình “Trường học mới” được triển khai hiệu quả, các trường được chọn thí điểm thực hiện mô hình của huyện Chiêm Hóa đã tổ chức các buổi họp sinh hoạt chuyên môn, nhằm thống nhất phương pháp dạy theo mô hình “Trường học mới "; đồng thời tổ chức họp phụ huynh để các giáo viên hướng dẫn phụ huynh cách kiểm tra, hướng dẫn con em chuẩn bị bài ở nhà; thực hiện việc dạy và học, đánh giá học sinh theo mô hình VNEN.
Trong thời gian tới, để triển khai, nhân rộng và thực hiện có hiệu quả mô hình “Trường học mới”, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Chiêm Hóa sẽ nỗ lực khắc phục khó khăn, đẩy mạnh công tác chỉ đạo, tuyên truyền, vận động để đội ngũ cán bộ, giáo viên, phụ huynh và cộng đồng xã hội cùng đồng thuận, hưởng ứng, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học, tạo sự đổi mới tích cực và toàn diện trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo ở địa phương.
Gửi phản hồi