Khu du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm đang được Tập đoàn VinGroup đầu tư xây dựng. Ảnh: Hoàng Thảo
Những dấu mốc lịch sử
Hòa bình lập lại, Tuyên Quang và Hà Giang được sáp nhập thành tỉnh Hà Tuyên. Trong 16 năm nhập tỉnh (1976-1991), Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Tuyên đã đoàn kết thống nhất vượt qua mọi khó khăn gian khổ, từng bước xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân, bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc.
Ngày 01-10-1991, tỉnh Tuyên Quang được tái lập. Trong suốt hành trình 30 năm (1991-2021), phát huy truyền thống của quê hương cách mạng trong sự nghiệp đổi mới, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang luôn đoàn kết, thống nhất, sáng tạo, thế hệ sau học tập, kế thừa kết quả, hướng đi của thế hệ trước, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, đạt được thành tựu quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực.
Kinh tế - xã hội phát triển vượt bậc
Từ một tỉnh thuần nông, điểm xuất phát kinh tế thấp, đến nay Tuyên Quang đã xây dựng được một nền tảng kinh tế - xã hội tương đối vững chắc. Tốc độ tăng trưởng GRDP giai đoạn 2015 - 2020 bình quân đạt 6,45%; GRDP bình quân đầu người năm 1991 là 0,723 triệu đồng, năm 2020 đạt 44,57 triệu đồng, tăng 61,64 lần so với năm 1991. Quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh năm 2020 gấp 79,96 lần so với năm 1991; Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông, lâm, nghiệp, thủy sản. Công nghiệp có tốc độ phát triển nhanh, năm 1991, tỉnh mới có một số ít cơ sở công nghiệp nhỏ bé, đến nay tỉnh đã có các khu, cụm công nghiệp - dịch vụ - đô thị, thu hút nhiều nhà đầu tư, tập đoàn lớn như: Tập đoàn VinGroup, Tập đoàn FLC, tập đoàn DANKO, Tập đoàn Mường Thanh, Tập đoàn APEC, tập đoàn GELEXIMCO, Công ty cổ phần WOODSLAND... thu hút nhiều dự án, nhà máy lớn như các nhà máy thủy điện, điện sinh khối, xi măng, cán thép, giấy, bột giấy, chế biến gỗ, chè, thức ăn gia súc, các nhà máy may mặc, giày dép xuất khẩu.
Tỷ lệ che phủ rừng của Tuyên Quang đạt gần 65%. trong ảnh,
khu rừng trồng của người dân xã Tiến Bộ (yên Sơn). Ảnh: Cảnh Trực
Sản xuất nông, lâm nghiệp phát triển ngày càng vững chắc, xóa bỏ thế độc canh, hiệu quả thấp, chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, hình thành và phát triển một số vùng chuyên canh nguyên liệu phục vụ sản xuất công nghiệp, nhiều mặt hàng của tỉnh đã có chỗ đứng trên thị trường. Toàn tỉnh hiện có 79 sản phẩm được cấp nhãn hiệu hàng hóa theo tiêu chuẩn OCOP (năm 1991 không có sản phẩm nào được cấp chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa). An ninh lương thực được bảo đảm, sản lượng lương thực không ngừng tăng, từ 13,35 vạn tấn năm 1991 lên 348,953 vạn tấn năm 2020. Tỷ lệ che phủ của rừng tăng từ 26% năm 1991 lên trên 65% năm 2020, đứng thứ 3 cả nước.
Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến tháng 6/2021, toàn tỉnh có 47 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là xã Mỹ Bằng và xã Thái Bình (huyện Yên Sơn).
Hệ thống kết cấu hạ tầng điện, đường, trường, trạm, bưu chính viễn thông... được đầu tư phát triển mạnh, diện mạo đô thị, nông thôn có nhiều khởi sắc, đổi mới. Thị xã Tuyên Quang trở thành thành phố trực thuộc tỉnh và được công nhận đô thị loại II (tháng 02-2021); huyện mới Lâm Bình được thành lập, huyện lỵ Yên Sơn được xây dựng tại địa điểm mới. Nhiều dự án, công trình có quy mô lớn được được đầu tư xây dựng, tại thành phố Tuyên Quang có các công trình đẹp, giàu giá trị văn hóa, lịch sử là điểm nhấn trong kiến trúc đô thị của tỉnh, nổi bật là Quảng trường Nguyễn Tất Thành gắn với Tượng đài Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang và Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh; Tượng đài các anh hùng liệt sỹ và Bảo tàng tỉnh cùng tọa lạc trong lòng Hồ công viên thành phố Tuyên Quang; Vincom Shophouse, các khu đô thị Việt Mỹ, Thịnh Hưng, An Phú cùng các cây cầu bắc qua sông Lô như cầu Nông Tiến, cầu Tình Húc, cầu Tân Hà, cầu Bình Ca đã tô điểm, làm cho thành phố Tuyên Quang ngày càng đẹp, xanh, sạch, sáng. Cùng với đó dự án Đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, các dự án tại Khu Du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm, Khu du lịch sinh thái và dịch vụ thể thao Sơn Dương, từng bước đưa Tuyên Quang thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng phát triển.
Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, các lĩnh vực văn hóa - xã hội luôn được tỉnh quan tâm chăm lo; quốc phòng, an ninh được đảm bảo, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế. Nhiều sự kiện quan trọng về văn hóa, xã hội và đối ngoại của tỉnh được tổ chức thành công, góp phần quảng bá hình ảnh Tuyên Quang, mở ra nhiều cơ hội hợp tác trên các lĩnh vực. Công tác giáo dục - đào tạo tiếp tục được chú trọng, tỷ lệ huy động trẻ đến trường trên địa bàn tỉnh cao hơn tỷ lệ bình quân của các tỉnh khu vực Trung du miền núi phía Bắc và cả nước. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân từng bước đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Lễ hội rước mẫu đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La, được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống các dân tộc được gìn giữ, bảo tồn và phát huy gắn với phát triển du lịch. Toàn tỉnh có 43 lễ hội, 635 di tích (trong đó có 03 di tích Quốc gia đặc biệt: Tân Trào, Kim Bình, khu Bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình), 01 bảo vật quốc gia, 10 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Khoa học kỹ thuật từng bước phát triển gắn với sản xuất và đời sống nhân dân. Bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện giảm nghèo bền vững với phương châm “không để ai bỏ lại phía sau”, hướng tới công bằng xã hội, thu hẹp khoảng cách giữa phát triển thành thị với nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã phát huy vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, năng lực lãnh đạo của các cấp ủy đảng được nâng lên, dân chủ trong Đảng và trong xã hội được phát huy. Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị được đổi mới, sắp xếp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Phần thưởng cao quý, trách nhiệm to lớn
Những kết quả đạt được đã tạo cho Tuyên Quang hôm nay một diện mạo mới, ổn định và phát triển, tiến bộ, giàu bản sắc. Đến năm 2020, tỉnh đã cơ bản đạt mục tiêu trở thành tỉnh phát triển khá trong các tỉnh miền núi phía Bắc. Chặng đường 30 năm tái lập tỉnh chính là sự nối tiếp chặng đường gần một trăm năm toàn Đảng bộ, quân và dân Tuyên Quang đã một lòng, một dạ theo Đảng làm cách mạng. Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang rất đỗi tự hào về những thành tựu to lớn trong suốt quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và những phần thưởng cao quý mà Đảng, Nhà nước đã trao tặng, đó là: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, danh hiệu tỉnh Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân,...
Những thành tựu mà Đảng bộ và nhân dân Tuyên Quang đạt được rất đáng tự hào, là nền tảng vô cùng quan trọng cho sự phát triển trong giai đoạn mới, đó cũng là trách nhiệm to lớn mà Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Tuyên Quang vinh dự đón nhận và quyết tâm thực hiện thắng lợi, đó là: tập trung thực hiện ba khâu đột phá, năm nhiệm vụ trọng tâm, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra, đưa tỉnh Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc, xứng đáng vị thế Tuyên Quang từng là Thủ đô Khu Giải phóng, Thủ đô kháng chiến, tỉnh Anh hùng.
Gửi phản hồi