Chị Nguyễn Thị Xuân, thôn An Thịnh, thành viên HTX NLN và dịch vụ Tân An cho biết: Gia đình chị có gần 1ha chè, được trồng tập trung trên diện tích của Hợp tác xã. Trước đây, khi chưa tham gia vào Hợp tác xã, gia đình chị chỉ sản xuất và chế biến chè ở quy mô hộ gia đình, chè sản xuất ra thị trường chưa được nhiều người dân đón nhận. Sau khi tham gia HTX, gia đình chị được tập huấn, hướng dẫn sản xuất chè sạch, an toàn. Ngoài ra, HTX cũng bao tiêu sản phẩm bán ra thị trường nâng cao nguồn thu nhập cho gia đình.
Các thành viên Hợp tác xã nông lâm nghiệp và dịch vụ Tân An thu hái chè.
Xã Tân An hiện có trên 20 ha chè, trong đó, riêng Hợp tác xã nông lâm nghiệp và dịch vụ Tân An bao thầu trên 12 ha. Để sản phẩm chè sạch trở thành thương hiệu có chỗ đứng trên thị trường và là sản phẩm chủ lực trong thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Chính quyền địa phương cũng như Hợp tác xã đang khẩn trương triển khai thực hiện các bước xây dựng chè thương hiệu đảm bảo theo đúng quy trình. Hiện nay, các thành viên đều tuân thủ việc sản xuất chè theo hướng hữu cơ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học độc hại và chỉ sử dụng thuốc sinh học. Vỏ bao, chai đựng thuốc bảo vệ thực vật đều được xử lý hợp lý. Chất lượng chè được nâng lên, bước đầu đã có chỗ đứng trong thị trường.
Các thành viên Hợp tác xã nông lâm nghiệp và dịch vụ Tân An trao đổi kinh nghiệm để nâng cao chất lượng chè thành phẩm
Với việc tạo ra những nông sản hàng hóa có giá trị, xây dựng thương hiệu chè sạch thơm ngon - đặc sản riêng của địa phương, Hợp tác xã nông lâm nghiệp và dịch vụ Tân An đang cùng UBND xã Tân An tạo lập nhãn hiệu tập thể “Chè Thôm Lòa” thông qua việc lập hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu nộp Cục Sở hữu trí tuệ theo quy định, đồng thời xây dựng chương trình quảng cáo giới thiệu sản phẩm ở thị trường trong và ngoài tỉnh. Qua đó, giúp người dân xóa đói giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới./.
Gửi phản hồi