Vụ xuân này, huyện Chiêm Hóa trồng 1.999 ha lạc với giống chủ lực L14 nguyên chủng, phấn đấu năng suất đạt trên 33 tạ/ha. Hiện nay, bà con nông dân ở các địa phương có diện tích lạc lớn như Minh Quang, Phúc Sơn, Tân Mỹ, Xuân Quang, Hùng Mỹ… đang tập trung ra đồng làm cỏ, xới đất kết hợp với bón phân chuồng hoai mục, lân, đạm hay phun thuốc kích thích qua lá để lạc phát triển, ra hoa và đậu củ tốt.
Vụ này xã Minh Quang trồng hơn 495 ha lạc vụ xuân, đạt 100% kế hoạch. Trong đó hơn 300 ha lạc trồng trên đất ruộng, còn lại là đất màu đồi và soi bãi. Vụ xuân trước, lạc của xã Minh Quang đạt năng suất 33 tạ/ha. Khác với vụ xuân trước, vụ này 70% diện tích lạc được người dân trồng bằng giống lạc L14 nguyên chủng đã được khẳng định chất lượng vượt trội so với các giống lạc khác từ những mô hình khảo nghiệm vụ trước đó.
Cán bộ xã Minh Quang hướng dẫn hộ bà Ma Thị Minh, thôn Nà Mè chăm sóc lạc xuân.
Theo ông Lâm Đình Chiến, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chiêm Hóa, để đảm bảo chất lượng, năng suất, sản lượng lạc vụ này, các xã cần đôn đốc bà con tập trung vệ sinh đồng ruộng làm sạch cỏ dại, vun gốc, đồng thời bón phân cho cây theo sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông. Các HTX Nông lâm nghiệp chủ động điều tiết nước tưới, tiêu khi mùa mưa đến; khuyến cáo bà con tăng cường kiểm tra đồng ruộng phát hiện sâu bệnh để có hướng xử lý kịp thời.
Để năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm lạc được nâng cao, UBND huyện Chiêm Hóa đã chỉ đạo phòng chuyên môn tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tập trung đưa các giống lạc mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất; thực hiện thâm canh theo đúng quy trình kỹ thuật, từng bước nâng cao năng suất cây lạc lên trên 33 tạ/ha. Ngoài ra, huyện tạo mọi điều kiện để người dân liên kết, tiếp cận khoa học, kỹ thuật, tích cực đưa cơ giới hóa vào sản xuất cũng như tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Đầu năm 2021, UBND huyện phối hợp với Viện Phát triển kinh tế hợp tác - Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tiến hành dự án hỗ trợ HTX Nông lâm nghiệp Phúc Sơn phát triển sản xuất kinh doanh lạc gắn với chuỗi giá trị. Ngoài hỗ trợ về kỹ thuật, kỹ năng quản lý điều hành, liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm, dự án còn hỗ trợ máy móc trang thiết bị cho HTX với tổng vốn 318 triệu đồng.
Ông Ma Phúc Giải, Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp Phúc Sơn cho biết, HTX có 21 thành viên với nhiều ngành nghề kinh doanh, trong đó sản phẩm chủ lực là lạc củ, lạc nhân, tinh dầu lạc với sản lượng 2.400 tấn/năm. Thời gian qua, HTX đã chủ động liên kết với người dân tổ chức sản xuất lạc hàng hóa, đầu tư xây dựng nhà xưởng, máy móc trang thiết bị như lò sấy lạc, máy làm đất... Vừa qua sản phẩm lạc nhân của HTX được công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao, nhờ đó đã có nhiều doanh nghiệp liên hệ đặt hàng, bao tiêu sản phẩm lạc cho HTX. Dự kiến vụ xuân này HTX sẽ mở rộng thu mua lạc sang các xã lân cận để đáp ứng nhu cầu khách hàng.
Nhờ sự chủ động trong sản xuất của bà con nông dân, sự chỉ đạo kịp thời của chính quyền cơ sở trong chuyển đổi cơ cấu giống, phòng trừ dịch bệnh, vụ lạc xuân năm nay sẽ bội thu, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân.
Gửi phản hồi