Công ty TNHH Lâm nghiệp Sơn Dương hiện quản lý hơn 3.698 ha rừng, trong đó có hơn 489 ha rừng tự nhiên, hơn 3.200 ha rừng trồng. Ông Nguyễn Hồng Thái, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Sơn Dương cho biết, chủ động PCCCR, đơn vị đã phát dọn, xử lý thực bì, làm vành đai cản lửa, chòi canh lửa; khoanh vùng và chủ động phòng ngừa các khu vực rừng có nguy cơ cháy cao. Công ty sẵn sàng nhiều phương án xử lý nếu xảy ra cháy rừng. Dù vậy phòng cháy vẫn là phương án tối ưu, đơn vị thành lập 10 tổ chốt túc trực thường xuyên ở các khu vực trọng điểm cháy rừng.
Cán bộ Kiểm lâm huyện Chiêm Hóa phối hợp với chính quyền địa phương tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng.
Những năm gần đây, các vụ cháy rừng có diễn biến phức tạp, gây thiệt hại về tài sản, hủy hoại tài nguyên rừng, ảnh hưởng lớn về môi trường, điển hình như 3 vụ cháy rừng tại xã Hà Lang, Hòa Phú, Trung Hà (Chiêm Hóa) với diện tích thiệt hại là hơn 4 ha. Theo ông Kim Ngọc Tuyên, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Chiêm Hóa, nguyên nhân các vụ cháy rừng là do bà con bất cẩn trong đốt thực bì chuẩn bị trồng rừng. Vì vậy, giải pháp quan trọng trong công tác PCCCR là tuyên truyền, giáo dục nhân dân thực hiện các quy định bảo vệ rừng gắn với phòng cháy chữa cháy rừng, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật gây cháy rừng. Đơn vị đã tổ chức 40 buổi tuyên truyền công tác bảo vệ và PCCCR với gần 4.900 lượt người tham gia, tổ chức ký cam kết cho 2.900 hộ gia đình, chủ rừng và các cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản. Bên cạnh đó, Hạt tăng cường tuần tra, kiểm soát theo dõi thông tin, cảnh báo nguy cơ cháy rừng, để kịp thời thông báo đến nhân dân, nhằm giảm thiểu thiệt hại.
Thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, trên địa bàn tỉnh hiện có 42 xã, thị trấn nằm trong khu vực cháy rừng cấp IV (cấp nguy hiểm), 36 xã nguy cơ cháy rừng cấp III (cấp cao). Chủ động các biện pháp PCCCR, Chi cục Kiểm lâm tỉnh yêu cầu lực lượng Kiểm lâm và các chủ rừng kiểm tra nghiêm ngặt các khu rừng trọng điểm dễ cháy; lực lượng canh phòng phải thường trực tại các khu vực này, bảo đảm 12/24 giờ trong ngày, nhất là trong các giờ cao điểm (từ 9 giờ đến 21 giờ) để ngay khi có sự cố xảy ra phải cơ bản khống chế, không để lửa lan rộng.
Ông Dương Văn Xy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, để chủ động thực hiện hiệu quả công tác PCCCR, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất do cháy rừng gây ra, Chi cục đã tham mưu cho chính quyền địa phương hướng dẫn các chủ rừng xử lý thực bì, giảm vật liệu cháy và xây dựng, tu sửa các công trình PCCCR; tăng cường công tác tuyên truyền bảo vệ rừng và PCCCR; tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng và PCCCR; chủ động sẵn sàng ứng phó cháy rừng với phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ), kịp thời xử lý các vụ cháy rừng khi mới phát sinh; bố trí 80 trạm, chốt bảo vệ rừng để thực hiện bảo vệ rừng tại gốc, trong vùng lõi các khu rừng đặc dụng, khu rừng phòng hộ và các khu rừng giáp ranh với các tỉnh khác; tiếp tục duy trì và củng cố 1.625 tổ đội bảo vệ và chữa cháy rừng với trên 14.600 người ở các xã, thị trấn và các chủ rừng.
Toàn tỉnh hiện có hơn 425.365 ha đất có rừng, trong đó có hơn 105.200 ha rừng thuộc vùng trọng điểm có nguy cơ cháy cao. Để bảo vệ tốt vốn rừng hiện có và phát triển rừng ngay tại cơ sở, lực lượng Kiểm lâm cần tăng cường hướng dẫn các địa phương xây dựng phương án bảo vệ rừng và PCCCR phù hợp với những thay đổi về tính chất, đặc điểm nguy hiểm về cháy và các điều kiện liên quan đến hoạt động chữa cháy để đảm bảo tính sát thực tại địa phương và phải có kế hoạch thực hiện cụ thể để không bị lúng túng khi có cháy rừng xảy ra. Đồng thời, đẩy mạnh trồng rừng mới, trồng lại rừng sau khai thác, bảo vệ và quản lý nghiêm, kết hợp tăng cường các biện pháp phục hồi, tái sinh rừng tự nhiên.
Gửi phản hồi