Được thành lập năm 2021 với 7 thành viên tham gia, đến nay, Tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi lợn đen thả đồi của Hội Nông dân xã Kim Bình đã phát triển lên 11 hội viên. Từ 80 con lợn đen ban đầu, đến nay tổ hội đã có trên 200 lợn thương phẩm, cao điểm có trên 300 con, trong đó luôn duy trì trên 20 con giống để nuôi gối đàn. Sau khi Tổ hội ra đời, các hội viên được vay nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân của Trung ương (200 triệu đồng) để tăng đàn, từng bước hình thành tổ hợp tác, hợp tác xã; thông qua các kênh tuyên truyền của Hội Nông dân các cấp, nhiều doanh nghiệp và các hộ kinh doanh ngoài tỉnh đã biết và đến đặt hàng lâu dài với Tổ hội về việc cung ứng lợn đen sạch; kỹ thuật chăn nuôi lợn cũng được cải thiện thông qua quá trình sinh hoạt tổ và trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi. Hiện nay, mặc dù giá lợn thương phẩm có nhiều biến động nhưng lợn đen thả đồi của tổ hội luôn có đầu ra ổn định, với giá bán trên 100.000đ/kg, mang lại giá trị kinh tế trên 1,2 tỷ đồng/năm.
Lợn đen thả đồi của anh Đinh Văn Chương (áo vàng), thôn Kim Quang, xã Kim Bình chuẩn bị xuất bán.
Với mục đích tập hợp hội viên, nông dân cùng nhau học tập trao đổi kinh nghiệm trong xu thế sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, việc thành lập Tổ hội nghề nghiệp đã xây dựng được các mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp giúp người nông dân liên kết, hợp tác trong sản xuất, kinh doanh, bước đầu hình thành cho hội viên nông dân tư duy sản xuất theo chuỗi giá trị. Đến nay, Hội Nông dân xã đã thành lập được 03 tổ hội nông dân nghề nghiệp bao gồm: Tổ chăn nuôi ốc, tổ trồng gấc và tổ chăn nuôi lợn đen thả đồi, mỗi tổ có từ 11 – 20 thành viên tham gia. Thông qua việc thành lập các tổ hội nghề nghiệp, các hội viên nông dân đã cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển sản xuất, chăn nuôi như: hỗ trợ nhau về giống, thức ăn và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, giúp tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống của hội viên; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Hiện nay, trên địa bàn xã Kim Bình có nhiều hộ nông dân đang liên kết, tiến tới thành lập các tổ hội nghề nghiệp, trong đó Tổ hội trồng cây ăn quả có múi của Đoàn thanh niên xã đã phát triển, thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ Kim Bình xanh; 03 tổ hội của Hội Nông dân phát triển có hiệu quả. Thông qua mô hình chi Hội nghề nghiệp, tổ Hội nghề nghiệp thể hiện sự đổi mới phương thức tập hợp hội viên, phát huy được tính tiên phong, gương mẫu, năng động, sáng tạo và trách nhiệm của hội viên, xây dựng tổ chức cơ sở Hội ngày càng vững mạnh./.
Gửi phản hồi