Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ mùa 2021 toàn tỉnh phấn đấu gieo cấy 24.916 ha lúa, trong đó có 9.193 ha lúa lai. Đến ngày 20-6, toàn tỉnh đã làm đất trên 60% diện tích. Các huyện Lâm Bình, Chiêm Hóa đã cơ bản hoàn thành khâu làm đất và cấy trà lúa sớm trong tháng 6, bảo đảm đúng khung thời vụ. Do thời tiết quá nóng nên thời gian làm đồng của nông dân chỉ tập trung vào sáng sớm và chiều tối nên tiến độ bị chậm lại.
Nông dân thôn Phúc Lộc A, xã An Khang (thành phố Tuyên Quang) chống nắng làm vụ mùa 2021.
Vụ mùa năm nay, xã An Khang (TP Tuyên Quang) gieo cấy trên 300 ha lúa. Tại thôn Phúc Lộc A, Thúc Thủy, nơi có cánh đồng khá rộng, người dân đang tranh thủ làm đất, xử lý rơm để cày bừa. Ông Nguyễn Văn Hùng, thôn Thúc Thủy cho biết, vụ xuân vừa qua được mùa nên người dân phấn khởi lắm! Mọi nhà đang dồn sức làm đất vụ mùa, nắng nóng quá phải làm lúc sáng sớm và chiều muộn cho kịp thời vụ. Được ngành chức năng khuyến cáo, tháng 9 nhiều đợt mưa to, ảnh hưởng đến thời gian thu hoạch cây lúa nên người dân trong thôn chủ động cấy trà lúa mùa sớm và chính vụ, tránh tổn thất.
Vợ chồng chị Nguyễn Thúy Hằng, thôn Phúc Lộc A, xã An Khang có máy làm đất dịch vụ cho người dân. Chị Hằng chia sẻ, vụ mùa năm nay làm đất vất vả hơn, trời thì nóng, thời gian ngắn nên chân rạ chưa kịp mềm khó làm. Để đảm bảo gieo cấy trong khung thời vụ, vợ chồng chị làm việc từ 2 giờ sáng, nhiều hôm làm đất 9 giờ tối mới về.
Tại các xã Yên Nguyên, Hòa Phú (Chiêm Hóa), bà con đã tập trung cấy trà sớm để kịp sản xuất vụ đông. Chị Ma Thị Hoa ở thôn Nà Tàng, xã Hòa Phú cho biết, chị đã cấy xong 3 sào ruộng của gia đình. Vì trời nắng 40 độ C nên đã tập trung cấy vào sáng sớm và chiều muộn để tránh nắng, cây mạ hồi sức nhanh. Theo khuyến cáo của khuyến nông xã, cuối vụ thời tiết bất lợi, mưa nhiều nên gia đình chủ động cấy sớm, thu hoạch sớm để tránh ngập, thiệt hại do mưa lũ.
Theo đồng chí Ma Văn Khứu, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Chiêm Hóa, vụ mùa năm 2021, toàn huyện phấn đấu gieo cấy 5.477 ha lúa, đứng thứ 2 trong tỉnh. Tính đến ngày 20-6 đã thực hiện làm đất trên 4.498 ha. Đây là vụ sản xuất có nhiều tiến bộ do nguồn giống chủ động, thuận lợi nguồn nước, nên bà con gieo cấy tập trung. Trong tổng diện tích đã cấy có 1.400 ha gieo cấy trà mùa sớm nên đảm bảo đủ diện tích theo kế hoạch cho gieo trồng cây vụ đông.
Huyện Sơn Dương có diện tích gieo cấy vụ mùa lớn nhất tỉnh với 6.268 ha. Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông nghiệp huyện cho biết, vụ mùa năm nay người dân phải tăng chi phí vì giá phân bón tăng cao. Ngoài ra, nắng nóng cũng ảnh hưởng đến chất lượng mạ và lúa mới cấy. Khắc phục khó khăn này, huyện đã khuyến cáo người dân tăng cường bón phân hữu cơ, thăm đồng và đảm bảo nước cho chân ruộng mới cấy để lúa không bị héo. Huyện phấn đấu trong tháng 6 sẽ cấy trên 2.000 ha trà lúa sớm.
Đồng chí Trần Ngọc Thanh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Vụ mùa năm nay có nhiều khó khăn, thời tiết ngày càng cực đoan; giá phân bón tăng từ 25 - 30% so với vụ mùa năm 2020. Ngay đầu vụ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị và Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện thông tin đến bà con tình hình thời tiết để chủ động gieo cấy; hướng dẫn nông dân lựa chọn gieo cấy các giống lúa chất lượng, ngắn ngày, chống chịu tốt với bệnh bạc lá; mỗi cánh đồng chỉ nên chọn 2 - 3 giống lúa chủ lực để thuận tiện cho việc quản lý đồng ruộng, chăm sóc, phòng trừ dịch hại; xuống giống ngâm ủ mạ và gieo cấy tập trung vào trà lúa sớm; bón phân cân đối, đầy đủ, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ để cây trồng phát triển thuận lợi, tăng khả năng chống chịu bệnh hại và giảm chi phí; chủ động chuẩn bị các phương án phòng, chống thiên tai, hạn chế thấp nhất thiệt hại do có hạn hán, mưa bão, lũ ống, lũ quét…
Đồng thời, nông dân trong tỉnh cần chủ động dự phòng giống lúa ngắn ngày như Việt lai 20, KM18, HT1 để gieo cấy bổ sung khi xảy ra mưa bão lớn gây ngập úng; kịp thời áp dụng các biện pháp khắc phục thiệt hại trong sản xuất khi bị ảnh hưởng của thiên tai để bảo đảm diện tích. Ngành Nông nghiệp đã tăng cường áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), ứng dụng hệ thống thâm canh lúa cải tiến SRI để tăng hiệu quả phòng chống sâu bệnh và giảm chi phí sản xuất. Bên cạnh đó, các địa phương tăng cường dự tính, dự báo dịch hại kịp thời; đôn đốc bà con thăm đồng, phát hiện kịp thời sâu bệnh, bảo đảm vụ mùa đạt năng suất, chất lượng.
Gửi phản hồi