Gia đình anh Tô Văn Điện, thôn Bản Chẳng, xã Tân Mỹ (Chiêm Hóa)
đầu tư nuôi lợn có cuộc sống ổn định.
Tổ hợp tác Chăn nuôi lợn thôn Bản Chẳng có 38 thành viên, trong đó có 36 thành viên là phụ nữ. Trước đây, người dân trong thôn chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ, thủ công, cho ăn không đủ bữa nên lợn chậm lớn, hay dịch bệnh… Mỗi năm, hộ nuôi ít thì nuôi 1 - 2 con, hộ nuôi nhiều thì cũng chỉ xuất được 1 lứa, thu nhập người dân đạt thấp. Chị Quan Thị Biên, Tổ trưởng Tổ hợp tác cho biết: Bên cạnh việc khuyến khích chăn nuôi, nhân rộng đàn lợn, các thành viên được trao đổi khoa học kỹ thuật, được hướng dẫn cách phòng trị bệnh và mua thức ăn chăn nuôi lợn. Hàng tháng, tổ hợp tác họp một lần, cùng nhau chia sẻ những khó khăn, thuận lợi, kinh nghiệm chăn nuôi. Tổ đã chủ động tìm kiếm đối tác cung cấp vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm.
Hiện nay, tổ có 17 thành viên vay hơn 260 triệu đồng mua con giống và xây dựng bể biogas. Tổ đã vận động xây dựng quỹ tổ được hơn 10 triệu đồng cho thành viên vay. Nhờ được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, hoạt động liên kết chặt chẽ từ khâu đầu vào cho đến lúc lợn xuất chuồng đã tạo hướng đi ổn định trong phát triển kinh tế cho các hộ gia đình. Từ đó, thu nhập của các hộ cũng dần được nâng lên. Từ mỗi hộ nuôi nhỏ lẻ 1 - 2 con/năm, hiện nay, bình quân, mỗi hộ nuôi từ 10 - 20 con/lứa và 3 lứa/năm. Tổ duy trì nuôi trên 300 con/lứa, mỗi năm xuất gần 1.000 con lợn. Doanh thu bình quân mỗi lứa từ 700 - 850 triệu đồng, lợi nhuận đạt từ 70 - 75 triệu đồng/lứa. Một số thành viên trong tổ trước kia thuộc hộ khó khăn, mỗi năm chỉ nuôi 1 - 2 con lợn, tham gia tổ hợp tác, đã thay đổi cách làm, mạnh dạn đầu tư phát triển đàn lợn như chị Hà Thị Sen, Quân Thị Chung, Hoàng Thị Chí… Chị Hà Thị Sen, thôn Bản Chẳng cho biết: “Trước kia gia đình tôi chỉ nuôi nhỏ lẻ 1 - 2 con. Từ khi tham gia tổ hợp tác, tôi được tập huấn khoa học, kỹ thuật, được tư vấn về con giống, quy trình kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh, được vay vốn, tôi đã mạnh dạn đầu tư tăng đàn lợn. Hiện nay, bình quân mỗi năm tôi nuôi 3 lứa lợn, mỗi lứa từ 20 - 30 con. Trừ chi phí mỗi năm cũng thu về cho gia đình 20 - 30 triệu đồng. Nhờ đó, kinh tế gia đình tôi ổn định, có tiền nuôi con cái ăn học, mua sắm được nhiều vật dụng gia đình”.
Việc thành lập tổ hợp tác sản xuất, chăn nuôi đã góp phần thay đổi tập quán sản xuất truyền thống nhỏ lẻ sang sản xuất quy mô lớn, mang tính hàng hóa, hiệu quả kinh tế cao cho người dân thôn Bản Chẳng. Đây cũng là hướng đi giúp nâng cao giá trị và phát triển kinh tế bền vững cho bà con dân tộc nơi đây. Từ hiệu quả kinh tế, tại Hội nghị biểu dương phụ nữ các dân tộc làm kinh tế giỏi vùng Tây Bắc tháng 6 vừa qua, tổ hợp tác chăn nuôi lợn thôn Bản Chẳng đã được Trung ương Hội LHPN Việt Nam tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Gửi phản hồi