Thôn Khuôn Nhòa, một trong những thôn bản có diện tích cam nhiều nhất trong toàn xã.
Theo giới thiệu của đồng chí Seo Văn Sử, cán Phó Chủ tịch UBND xã Trung Hà, chúng tôi có mặt tại thôn Khuôn Nhòa, một trong những thôn bản có diện tích cam nhiều nhất trong toàn xã. Những ngày này cả thôn đang vào vụ cắt cam, những chuyến xe to nhỏ chở cam đi khắp các chợ trong và ngoài tỉnh. Cùng với các hộ trong thôn, gia đình anh Đặng Văn Tâm, chị Triệu Thị Hương đã thuê hơn 10 lao động để cắt và vận chuyển cam từ trên đồi về nơi tập kết. Chị Hương cho biết, trước đây khi chưa đưa cây cam vào trồng, gia đình chị cũng như nhiều hộ đồng bào Dao ở trong thôn cũng rất khó khăn, nhờ mạnh dạn chuyển đổi cây trồng đưa cây cam vào trồng với trên 800 gốc, mấy năm nay gia đình chị đều có thu nhập từ 3 đến 400 triệu đồng. Ông Đặng Văn Vinh, Trưởng thôn cho biết, toàn thôn có 129 hộ gia đình, trong đó trên 70% số hộ có diện tích đất trồng cam. Nhờ trồng cam mà mấy năm nay trở lại đây, nhiều hộ gia đình trong thôn đã giàu lên nhanh chóng. Từ một thôn nghèo của xã, Khuôn Nhòa đã “thay da, đổi thịt”, trong thôn dần xuất hiện những ngôi nhà khang trang, hiện đại, đặc biệt nhiều hộ trong thôn không chỉ mua sắm được xe máy mà còn có cả ô tô các loại. Trong một vài năm trở lại đây với việc được nhà nước đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng con đường từ trung tâm xã vào đến thôn Khuôn Pồng được nhựa hóa nhờ nguồn vốn di dân tái định cư góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển cam vì thế ở vùng cam ngày càng có nhiều thương lái ở các nơi tìm đến việc sản xuất tiêu thụ của bà con ở vùng cam khá ổn định.
Trồng cam không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người trồng mà còn tạo thêm nhiều việc làm cho lao động nông thôn.
Nằm dưới khu rừng đặc dụng Chạm Chu, các thôn Khuôn Pồng, Khuôn Nhòa, Khuổi Hỏi, Khuổi Đinh của xã Trung Hà có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng khá phù hợp với cây cam sành. Đồng chí Seo Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, thực tế cây cam có mặt trên đất Trung Hà từ lâu, ngay từ những năm 90 cây cam đã được trồng ở đây, nhưng lác đác một số hộ trồng nhỏ lẻ trong vườn nhà làm thứ cây ăn quả gia đình chứ chưa trở thành hàng hóa. Đến năm 2002 thì diện tích cam của xã có được khoảng 20 ha; đến nay diện tích cam của Trung Hà đã lên đến 387 ha, được trồng tại 6 thôn trong xã. Theo quy hoạch vùng sản xuất cam của tỉnh giai đoạn 2014 - 2020, thì xã Trung Hà phấn đấu có 466 ha cam. Tính từ năm 2011 đến nay, cây cam trên đất Trung Hà đang bước vào giai đoạn phát triển mạnh. Để khuyến khích phát triển vùng cam thời gian qua xã đã tổ chức triển khai và thực hiện Đề án phát triển vùng sản xuất cam sành tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2014 – 2020 theo nghị quyết số 10 và 12 của HĐND tỉnh Tuyên Quang về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh. Theo bà con nhận định, cam năm nay được mùa, tuy nhiên so với mọi năm giá thành có hơi thấp tuy nhiên người trồng cam vẫn có thu nhập cao, ước tính sản lượng đạt hơn 7.700 tấn, doanh thu đạt trên 35 tỷ đồng. Không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người trồng cam, vào vụ cam ở Trung Hà còn tạo thêm nhiều việc làm cho lao động nông thôn từ việc chăm sóc, thu hoạch cam.
Nhiều hộ gia đình ở một số thôn bản trên địa bàn xã Trung Hà đã có nguồn thu nhập ổn định nhờ vào cây cam.
Phát triển vùng cam theo hướng hàng hoá ngoài việc đem lại hiệu quả kinh tế, còn tạo ra công ăn việc làm cho một lực lượng lao động không nhỏ theo mùa vụ ở địa phương. Cho đến nay, việc phát triển mô hình trồng cam theo hướng hàng hoá ở xã vùng cao Trung Hà đã thực sự mang lại nguồn thu nhập lớn cho bà con nhân dân, công tác giảm nghèo được đẩy mạnh, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, kinh tế - xã hội phát triển, góp phần cùng chung tay xây dựng nông thôn mới ở địa phương./.
Gửi phản hồi