Gia đình anh Triệu Văn Thắng, thôn Bản Tát là một trong những hộ có diện tích cây măng tre Trinh lớn của xã Tri Phú. Hiện tại gia đình anh Thắng đầu tư 2 bếp luộc, 2 bếp sấy với công suất 6 tạ/ ngày. Để măng đạt độ ngon, giòn khi ăn và màu sắc vàng óng thì gia đình anh chế biến theo hình thức thủ công từ luộc, cho tới sấy, phơi nắng trời. Khi đã có lượng khách hàng đủ lớn và vùng nguyên liệu của địa phương, anh Thắng đã liên kết với các hộ trong thôn, trong xã để thu mua măng tươi cho người dân. Theo hình thức hợp đồng thu mua nguyên liệu, nhiều hộ gia đình đã có mức thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo.
Các công đoạn chế biến thủ công, đảm bảo an toàn cho sản phẩm Măng khô ở Tri Phú, huyện Chiêm Hóa.
Ông Ma Văn Hưng, Phó chủ tịch UBND xã Tri Phú cho biết, xã có trên 100ha Tre trinh được người dân trồng tập trung tại các thôn Bản Tát, Nà Coòng. Người dân nơi đây yên tâm sản xuất bởi trồng cây tre Trinh lấy măng không mất nhiều công chăm sóc, mùa thu hoạch cũng kéo dài từ tháng 5-8. Xã Tri Phú đã tạo điều kiện cho người dân phát triển diện tích theo quy hoạch để làm măng khô. Việc kết hợp giữa khoa học kỹ thuật với kinh nghiệm sản xuất măng khô của người dân được thực hiện chặt chẽ trong các khâu. Măng khô ở Tri Phú, huyện Chiêm Hóa có những đặc điểm rất đặc trưng như hoàn toàn được chế biến theo cách thủ công, dầy mình, có màu vàng tươi, mùi thơm dịu, nhẹ rất đặc trưng. Từ chế biến măng khô nhiều hộ gia đình có thu nhập từ 50 đến trên 200 triệu đồng/vụ măng.
Với mục tiêu để sản phẩm vươn xa thị trường, hiện sản phẩm măng khô ở xã Tri Phú được các cơ quan chức năng của huyện, tỉnh tiếp tục hoàn thiện các bước để công nhận sản phẩm măng Tre Trinh xã Tri Phú là sản phẩm OCOP./.
Gửi phản hồi