Ý thức của người dân được nâng lên sau khi Nghị định 100 có hiệu lực.
Thực tiễn cho thấy, khi lực lượng chức năng kiên trì chấp pháp, thường xuyên tuần tra và xử lý nghiêm khắc mọi hành vi vi phạm thì người dân tuân thủ nghiêm quy định và việc thực hiện các quy định ấy sẽ dần trở thành thói quen, văn hóa cộng đồng, như: Chuyện không đốt pháo nổ dịp Tết Nguyên đán, đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên mô tô, xe máy tham gia giao thông... Anh Hoàng Văn Thăng, cửa hàng Gas Hiếu Thăng ở thị trấn Vĩnh Lộc chia sẻ: Những năm trước đây, tết đến là anh cùng các bạn thường tổ chức mở tiệc ăn nhậu suốt. Nhưng từ khi có Nghị định 100 của Chính phủ, bản thân anh cùng như tâm lý chung của mọi người đều sợ khi tham gia giao thông trên các đường bằng xe có chất men sẽ bị Cảnh sát giao thông kiểm tra đo nồng độ cồn thì bị phạt rất nặng, dân lao động tiền đâu nộp phạt lại bị giam xe thì lấy phương tiện nào để đi lại làm ăn, vì thế anh Thăng đã luôn tự kìm chế bản thân trước những cuộc nhậu. Khi Nghị định 100 của Chính phủ ban hành anh Thăng rất tán thành về việc này, anh nghĩ mọi người dần dần sẽ quen, cũng như quy định đội mũ bảo hiểm trước đây.
Ông Nguyễn Văn Bẩy, tổ dân phố Vĩnh Hưng thị trấn Vĩnh Lộc cho hay: Qua nghe, xem trên các phương tiện thông tin đại chúng, được biết ngay trong những ngày đầu tiên của năm 2020, Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia có hiệu lực, đồng thời Nghị định 100 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt cũng bắt đầu được thực thi. Trong đó, với người vi phạm quy định về nồng độ cồn, mức xử phạt cao nhất với người điều khiển ô tô là từ 30 - 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng. Với người điều khiển xe mô tô, mức phạt từ 6-8 triệu đồng và tước giấy phép lái xe tương tự. Thậm chí, người điều khiển xe đạp vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông phải chịu phạt từ 400.000đ đến 600.000đ. Ban đầu, bản thân ông Bảy cũng như nhiều người trong khu dân cư không khỏi ngỡ ngàng với mức phạt nặng, có khi còn lớn hơn giá trị của phương tiện. Song cũng rấ đồng tình với cách xử phạt mạnh tay các trường hợp sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông. Những mức phạt nặng này đã và đang tác động lớn tới không chỉ ý thức mà còn là hành vi của người tham gia giao thông và cả thói quen khi việc sử dụng rượu bia trong cuộc sống thường ngày của người dân.
Theo Báo cáo nhanh của Trung tâm Y tế huyện Chiêm Hóa, số vụ tai nạn giao thông giảm nhiều so với cùng kỳ năm 2019. Chỉ tính riêng từ ngày 20 tháng Chạp đến hết ngày mùng 5 tháng Giêng xuân Canh Tý 2020, Trung tâm tiếp nhận 66 trường hợp tai nạn giao thông, cả 66 trường hợp này không có trường hợp nào sử dụng rượu, bia. Trong đó, mức độ nhẹ xử trí và cho về trong ngày là 39 trường hợp; phải nhập viện điều trị 27 trường hợp và chuyển tuyến là 02 trường hợp. Thạc sỹ, Bác sỹ Phạm Chí Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Chiêm Hóa cho biết: kể từ khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia và Nghị định 100 của Chính phủ có hiệu lực, Trung tâm Y tế huyện Chiêm Hóa không còn cảnh quá tải vì phải cấp cứu những ca tai nạn liên quan đến rượu bia như trước đây.
Gửi phản hồi