Lễ hội Lồng Tông, còn có tên gọi khác là Lễ hội xuống đồng. Đây là lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Tày, huyện Chiêm Hóa tổ chức vào ngày mùng 8 tháng Giêng Âm lịch hàng năm. Đến nay, Lễ hội Lồng Tông đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Một số hình ảnh phần Lễ của Lễ hội Lồng Tông xã Trung Hà.
Lễ hội Lồng Tông tại xã Trung Hà được phục dựng theo đúng nghi lễ truyền thống, gồm có 2 phần. Phần lễ diễn ra trang trọng với các nghi lễ cúng tế từ Đình Bản Rường, thuộc thôn Lang Chang, sau đó di chuyển về sân vận động trung tâm xã làm lễ cúng trời đất, thành Hoàng Làng, thực hiện các bước lễ đặt mâm tồng, lễ tạ ơn, lễ cầu mưa, lễ cày tịch điền, lễ chúc phúc và lễ phát tồng. Các mâm Tồng có các sản vật của địa phương để dâng tạ ơn các vị thần đã phù hộ cho người dân địa phương có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Phần hội với có trò chơi dân gian tung còn và các hoạt động văn hóa, thể thao trong không gian văn hóa dân tộc.... Lễ hội có thể xem như một "Bảo tàng sống", nói lên hoạt động phong phú, sinh động đời sống tâm linh của tộc người Tày.
Một số hình ảnh tại phần Hội trong Lễ hội Lồng Tông xã Trung Hà.
Việc Phục dựng Lễ hội Lồng Tông tại xã Trung Hà là dịp để đồng bào người Tày nói chung, cộng đồng người Tày tại xã Trung Hà nói riêng gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Đồng thời, việc phục dựng Lễ hội Lồng Tông, tại xã Trung Hà không chỉ lưu giữ nét văn hóa truyền thống mà còn góp phần thu hút đông đảo du khách mọi miền đến với Trung Hà.
Với việc bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị của lễ hội Lồng tông ngày một quy mô, bài bản ở các địa phương đã góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Tày, đồng thời đẩy mạnh phát triển ngành du lịch của tỉnh.
Gửi phản hồi