ĐVTN huyện Chiêm Hóa xây dựng lò đốt rác tại thôn Đoàn Kết, xã Trung Hòa.
Từ đầu năm đến nay, các cấp bộ Đoàn đã hoàn thành được 6 tuyến đường “Sáng - Xanh - Sạch” nông thôn mới; ra quân vệ sinh đường liên thôn, bản, nạo vét 174 km kênh mương nội đồng; thu gom 192 m3rác thải; bóc xóa 1.240 biển quảng cáo, rao vặt sai quy định; duy trì 27 tuyến phố văn minh, 43 đoạn đường thanh niên tự quản; trồng hàng nghìn cây xanh; thành lập 6 đội thanh niên tình nguyện trên địa bàn thành phố Tuyên Quang tham gia ứng cứu, giúp đỡ các hộ dân bị ảnh hưởng do thiên tai bão lũ di dời tài sản, vật nuôi đến nơi an toàn, sửa chữa nhà ở, thu hoạch hoa màu...
Huyện đoàn Sơn Dương là một trong những đơn vị có nhiều hoạt động bảo vệ môi trường có quy mô và ý nghĩa. Một trong số đó phải kể đến các hoạt động tình nguyện làm sạch rác thải trên dòng sông Phó Đáy và Đề án trồng hoa và cây bóng mát hai bên bờ sông Phó Đáy (đoạn qua thị trấn Sơn Dương). Đoàn các xã, thị trấn đã đăng ký đảm nhận vệ sinh từng đoạn sông Phó Đáy gắn với hoạt động tình nguyện ngày thứ 7 và chủ nhật xanh. Hàng nghìn lượt ĐVTN của huyện đã chung tay vớt, nhặt các loại rác thải, bơm kim tiêm, quét dọn dọc 2 bên kè bờ sông. Đồng thời, san đất, trồng, chăm sóc những luống hoa với đủ các sắc màu, khiến cho diện mạo của khu vực 2 bên bờ kè sông Phó Đáy trở nên xanh, sạch và rực rỡ.
Anh Khuất Trần Trung, Bí thư Đoàn thị trấn Sơn Dương chia sẻ, để nâng cao ý thức của ĐVTN và nhân dân trên địa bàn về giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường, Đoàn thị trấn đã lựa chọn và đảm nhận thực hiện công tác vệ sinh môi trường hai bên bờ sông được khoảng 3 năm nay. Hàng tuần, ĐVTN tham gia nhặt rác ở lòng sông, nhặt bơm kim tiêm, rác thải 2 bên bờ sông. Đồng thời, mỗi ĐVTN là một tuyên truyền viên, vận động mọi người quanh khu vực sinh sống thực hiện tốt việc giữ gìn, bảo vệ dòng sông và nguồn nước; không đổ rác, chất thải bừa bãi ra sông; không chăn thả gia súc, gia cầm tại khu vực đê, kè; không phá chặt cây trên khu vực hai bên bờ sông; không khai thác đất, cát, sỏi trên sông...). Đến nay, lượng rác thải hàng tuần thu được đã ít đi rất nhiều.
Huyện đoàn Chiêm Hóa đã có những hoạt động thiết thực, sáng tạo để bảo vệ môi trường. Trong đó, Ban Thường vụ Huyện đoàn đã tích cực tuyên truyền, vận động ĐVTN và nhân dân thực hiện mô hình phân loại xử lý rác thải tại nguồn. Chị Hà Thị Thảo, Bí thư Huyện đoàn cho biết, mô hình này được Ban Thường vụ Huyện đoàn triển khai thực hiện thí điểm từ tháng 12-2017 tại thôn Hòa Đa, xã Phúc Thịnh với trên 30 lò xây đốt rác.
Qua 1 thời gian triển khai, mô hình được đánh giá đem lại hiệu quả thực sự, góp phần hạn chế đáng kể tình trạng người dân vứt rác bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường, tạo cho người dân ở thôn có thói quen phân loại rác và vứt rác đúng quy định. Phát huy những kết quả đó, năm 2018, Huyện đoàn Chiêm Hóa tiếp tục thực hiện truyền thông về việc xử lý rác thải tại nguồn ở thôn Đoàn Kết, xã Trung Hòa. Đến nay, tại nhà văn hóa thôn có một lò đốt rác, 100% hộ dân của thôn đều xây dựng lò đốt rác hoặc hố rác, kết hợp với ủ phân vi sinh. Mô hình này hiện nay cũng đang được một số Đoàn xã như: Phúc Thịnh, Kiên Đài, Minh Quang, Tân Thịnh tuyên truyền, vận động được nhiều hộ dân áp dụng thực hiện.
Hưởng ứng Chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn” với chủ đề “Quản lý rác thải vì môi trường nông thôn bền vững”, từ 15-9 đến 30-9-2018, 100% các cơ sở Đoàn trên địa bàn tỉnh đã tổ chức các hoạt động hưởng ứng sôi nổi, ý nghĩa như: Quét dọn, vệ sinh môi trường, trồng hoa và cây xanh, thu gom rác thải, thu gom xử lý các điểm đen về ô nhiễm môi trường, bóc, xóa biển quảng cáo rao vặt sai quy định... Nổi bật ở cấp tỉnh đó là Hội thi “Thanh niên Tuyên Quang với công tác bảo vệ môi trường năm 2018” do Tỉnh đoàn đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức.
Em Nghinh Thị Thanh Hương, lớp 12 trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT tỉnh cho biết, thông qua bài thuyết trình với chủ đề “Hãy cứu lấy nguồn nước”, em muốn vận động mọi người cùng chung tay gìn giữ nguồn nước, bảo vệ môi trường từ những hành động nhỏ nhất, cụ thể nhất như: Hãy khóa vòi nước khi không sử dụng, trồng thêm cây xanh, không vứt rác xuống sông, biển... Em Lê Thùy Dung, lớp 12C1, trường THPT Nguyễn Văn Huyên chia sẻ, hội thi đã giúp em biết thêm được nhiều kiến thức về bảo vệ môi trường. Đặc biệt là biết được rằng ở tỉnh ta có một loài động vật đặc hữu cần được bảo vệ là loài Voọc đen má trắng và khu dự trữ thiên nhiên Cham Chu (Chiêm Hóa) là khu bảo tồn thiên nhiên của tỉnh.
Những hoạt động thiết thực, ý nghĩa của các cấp bộ Đoàn toàn tỉnh đã đóng góp tích cực vào việc thay đổi nhận thức, ý thức của toàn xã hội về bảo vệ môi trường sống, góp phần không nhỏ vào việc ứng phó với sự biến đổi khí hậu đang xảy ra ngày càng phức tạp.
Gửi phản hồi