Những ngôi nhà sàn truyền thống của người Tày ở thôn Bảo Ninh đang được bảo tồn và phát huy.
Thôn mới Bảo Ninh
Từ Quốc lộ 3B chạy qua địa bàn xã Yên Nguyên theo hướng lên trung tâm huyện Chiêm Hóa, mọi người có thể nhìn thấy dẫy núi Đán Hán sừng sững bên tay trái. Cổng chào thôn Bảo Ninh có con đường bê tông khang trang chạy qua cánh đồng vào thôn.
Thấy tôi hơi ngỡ ngàng vì cái tên thôn mới Bảo Ninh, Trưởng thôn Hoàng Văn Long cho biết, vừa rồi xã sáp nhập thôn Làng Tạc và Làng Gò thành thôn Bảo Ninh. Trước kia sáp nhập hai thôn họp chung, thống nhất cao lấy tên mới Bảo Ninh, vì trên địa bàn có ngôi chùa cổ Bảo Ninh Sùng Phúc nổi tiếng cả một vùng. Hiện thôn Bảo Ninh có 168 hộ, 745 nhân khẩu, trong đó dòng họ Hoàng của dân tộc Tày chiếm 95% dân số của thôn. Qua đây có thể khẳng định Bảo Ninh là ngôi làng người Tày cổ trên đất Chiêm Hóa. Những phong tục tập quán ở đây được bà con bảo tồn khá tốt. Trang phục, tiếng nói, phong tục ở nhà sàn vẫn được người dân phát huy. Hàng năm đầu xuân năm mới, thôn vẫn tổ chức lễ hội tung còn. Nhiều trò chơi dân gian được tổ chức như đánh pam, yến, bắn nỏ, đánh cù. Ở đây, người dân vẫn giữ thói quen ăn dưa kiệu, nõn chuối, quả núc nác, rau dớn, bi chuối nộm. Thôn có câu lạc bộ đàn Tính, hát Then với hơn 30 thành viên hoạt động sôi nổi.
Bảo Ninh là thôn thuần nông nhưng mức sống người dân khá ổn định, thu nhập 40 triệu đồng/người/năm. Cả thôn chỉ còn 1 hộ nghèo, nguyên nhân do ốm đau bệnh tật. Chủ tịch UBND xã Yên Nguyên Cầm Văn Dũng khẳng định, Bảo Ninh là thôn có phong trào thâm, xen canh 3 vụ rất tốt. Ngoài trồng lúa ngô, thôn chuyển đổi một phần sang trồng dưa chuột, dưa lê, dưa hấu, lạc, mướp đắng, ớt cho thu nhập khá, đạt gần 10 triệu đồng/sào.
Văn bia Bảo Ninh Sùng Phúc là bảo vật quốc gia duy nhất của tỉnh.
Cuối năm 2020 thôn thành lập được Câu lạc bộ trồng rau sạch với 37 thành viên, diện tích trồng rau bước đầu 4,7 ha. Bà con trồng rau sạch theo đúng quy trình, được HTX Chăn nuôi và sản xuất giống gia cầm Minh Tân, xã Tú Thịnh (Sơn Dương) và HTX Dịch vụ nông nghiệp kinh doanh hàng nông sản An Hòa (Tam Dương - Vĩnh Phúc) bao tiêu sản phẩm. Nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương, hệ thống kênh mương, đường nội đồng ở Bảo Ninh khá hoàn thiện. Một thế mạnh nữa của thôn là nuôi trâu ngố hàng hóa, trung bình gần như mỗi nhà có một con trâu.
Ông Hoàng Kim Sơn, 89 tuổi, dân tộc Tày thôn Bảo Ninh hồi tưởng: “Hệ thống thủy lợi tưới tiêu chắc 3 vụ của thôn chúng tôi được như ngày hôm nay cũng phải nhờ đến công lớn của Anh hùng Lao động Bàn Hồng Tiên. Ông là người dẫn nước trên núi về, có một nhánh dẫn về thôn Bảo Ninh ngày ngay. Học tập gương người Anh hùng Lao động người Dao tiền ở thôn bên, nhân dân chúng tôi lao động bằng cả sự hăng say, nhiệt huyết, quyết tâm đẩy lùi cái nghèo, xây dựng quê hương Yên Nguyên xứng đáng với danh hiệu Anh hùng”.
Giữ gìn bảo vật Quốc gia
Trong số 15.700 hiện vật quý mà Bảo tàng tỉnh quản lý có Văn bia Bảo Ninh Sùng Phúc là bảo vật Quốc gia duy nhất của tỉnh Tuyên Quang đang được trưng bày, bảo quản tại chùa Bảo Ninh Sùng Phúc, xã Yên Nguyên. Ông Lý Mạnh Thắng, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh khẳng định, trên địa bàn tỉnh có trên 30 ngôi chùa, đa phần là chùa đời Nhà Trần, chỉ duy nhất có 2 ngôi chùa đời Nhà Lý là chùa Bảo Ninh Sùng Phúc (Yên Nguyên) và chùa Nhùng (Hòa Phú). Xa xưa xã Yên Nguyên và Hòa Phú có tên chung là tổng Yên Lũng, châu Vị Long. Chùa được Thái phó Hà Hưng Tông, Tri châu Vị Long cho xây dựng vào năm 1107 thời vua Lý Nhân Tông. Chùa tựa vào dãy núi Đán Hán, xa xa trước mặt là cánh đồng và dòng suối Cả.
Khu khách tham quan chùa Bảo Ninh Sùng Phúc.
Cùng với việc xây chùa thờ phụng Phật tổ, tổ tiên dòng họ Hà và vua Lý Nhân Tông, Thái phó Hà Hưng Tông lệnh cho ông Lý Thừa Ân làm Văn bia Bảo Ninh Sùng Phúc bằng bia đá lớn trên lưng rùa để lưu truyền hậu thế. Trên bia có dòng chữ nho lớn “Bảo Ninh Sùng Phúc tự bi”. Vào thời Lê chùa đã trùng tu lại. Sang thời Nhà Nguyễn chùa Bảo Ninh Sùng Phúc bị sập đổ hoàn toàn, hiện vật chỉ còn tìm thấy một mảnh hương Phù Lãng. Tại khu vực chùa có 4 ngôi nhà, trong đó có hai ngôi nhà lớn nằm song song nhau, hai ngôi nhà nhỏ hơn nằm ở hai đầu hồi ngôi nhà lớn. Khi thực dân Pháp mở con đường lên Chiêm Hóa đã đến đập vỡ một mảnh đầu rùa kê tấm bia. Một thời gian sau tấm bia bị đổ. Sau 1954 dân làng không còn đi lễ chùa. Năm 1998, Bảo tàng tỉnh đã cho dựng lại bia bị đổ, làm nhà để bảo quản hiện vật vô giá này. Năm 2011, chùa Bảo Ninh Sùng Phúc được tỉnh, huyện Chiêm Hóa phục dựng lại, sau đó 2 năm, Văn bia Bảo Ninh Sùng Phúc được công nhận là bảo vật Quốc gia.
Hàng năm người dân thôn Bảo Ninh và du khách, phật tử gần xa hay đến hội Xuân vào ngày 4 tháng Giêng, hội chùa vào ngày 8 tháng 4. Nếu không có dịch bệnh Covid-19 xảy ra, chùa Bảo Ninh Sùng Phúc là địa chỉ tham quan du lịch khá nổi tiếng ở Chiêm Hóa cũng như tỉnh Tuyên Quang. Xã, huyện cũng có chủ trương quy hoạch mở rộng khuôn viên, diện tích chùa, có vùng đệm trồng cây xanh bản địa nhằm hướng tới xây dựng chùa Bảo Ninh Sùng Phúc thành một địa chỉ du lịch nổi tiếng của huyện Chiêm Hóa. Cùng với việc phục dựng chùa, việc giữ gìn bản sắc những ngôi nhà sàn truyền thống của người dân sống xung quanh khu vực chùa có vai trò hết sức quan trọng. Ngoài bổ sung cảnh quan đẹp, nhà sàn có thể phát triển quần thể du lịch homestay tìm về bản sắc xưa.
Bảo Ninh một cái tên thôn đẹp chứa chất bao nét văn hóa và dòng chảy lịch sử. Làng Tày dưới chân núi Đán Hán đã sống quần cư ở đây biết bao nhiêu đời. Du khách càng tìm hiểu sâu càng khám phá nhiều nét thú vị ở vùng đất này. Nhiều du khách trầm trồ khi biết trên địa bàn huyện Chiêm Hóa, xưa là châu Vị Long có phò mã Hà Di Khánh là con trai của Hà Hưng Tông kết duyên cùng công chúa Khâm Thánh, con gái vua Lý Thánh Tông vào năm 1083. Mà Tri châu Vị Long Hà Hưng Tông là người có công đầu trong việc dựng chùa Bảo Ninh Sùng Phúc ở thôn Bảo Ninh ngày nay, nhằm lan tỏa đạo Phật quốc giáo đến miền biên ải.
Gửi phản hồi