Năm nay cũng như thường lệ, từ sáng sớm ngày 31/8 cụ Mã Tân Văn, tổ Vĩnh Thịnh thị trấn Vĩnh Lộc cẩn thận lấy từ trong tủ ra lá cờ đỏ sao vàng là phẳng, lắp cán và treo trước cửa nhà với tâm thế trang. nghiêm. Trong cuộc trò chuyện với phóng viên, cụ Văn 88 tuổi và đã có 65 năm tuổi đảng, là cán bộ lão thành cách mạng được chứng kiến không khí đón ngày tết độc lập đầu tiên chậm dãi kể: Tôi có cảm xúc đặc biệt mỗi khi đất nước kỷ niệm ngày Tết Độc lập 2/9. Đó là cảm xúc trân quý giá trị của sự tự do, độc lập, là sự kính yêu đối với Bác Hồ". là người từng tham gia quân ngũ nên cụ hiểu và trân trọng những hy sinh của các thế hệ cha anh đi trước để có ngày độc lập tự do. Học tập và làm theo tư tưởng của Người nên mặc dù đã nghỉ hưu gần 30 năm nay nhưng cụ vẫn tích cực tham gia công tác tại địa phương. Mỗi dịp lễ tết, cụ mang từng tờ thông báo về việc treo cờ Tổ quốc đến phát cho mỗi nhà. Như sợ các hộ gia đình mải công việc mà quên lịch sử, trước ngày lễ ông lại đi nhắc lại. Cụ Văn bảo: “Cờ đỏ sao vàng là biểu tượng, là quốc kỳ của đất nước Việt Nam. Nền cờ đỏ tượng trưng cho nhiệt huyết cách mạng, biểu tượng cho sự chiến đấu và chiến thắng. Màu vàng của ngôi sao tượng trưng cho linh hồn dân tộc, năm cánh sao vàng tượng trưng cho các tầng lớp nhân dân cùng đoàn kết trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Do đó, lá cờ đỏ sao vàng là biểu tượng, là niềm tự hào dân tộc của mỗi người dân Việt Nam. Nên, tôi luôn trân trọng biểu tượng ấy. Mỗi lần treo cờ là một lần nhắc nhở tôi nhớ đến Bác, yêu đất nước, và với sức bé mọn của mình cùng với các tổ chức đoàn thể khác gắn kết các hộ dân cư trong tổ dân phố đoàn kết, đồng lòng xây dựng đất nước”.
Cụ Mã Tân Văn, tổ Vĩnh Thịnh thị trấn Vĩnh Lộc bồi cảm động xen lẫn tự hào mỗi dịp quốc khánh lá cờ tổ quốc được ông cất cẩn thận chỉ khi lễ tết mới mang ra treo.
Mặc dù không trực tiếp cầm súng nơi chiến trường, nhưng đối với ông giáo làng Nguyễn Quang Vĩnh, thôn Đồng Bả, xã Hòa Phú rất tự hào khi treo cờ Tổ quốc vào dịp lễ. Ông Vĩnh được biết đến là người còn lưu giữ nhiều kỷ vật của chiến tranh. Những kỷ vật mà ông lưu giữ chủ yếu của 2 thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, do gia đình được các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tặng từ những năm 1947, như Bộ Nội vụ, Bộ Y tế, Viện Vi trùng học. Ông nhớ kỹ từng kỷ vật, như mấy cái mâm đồng bộ đội dùng, chiếc gạt tàn thuốc lá, la bàn, màn nâu được bộ đội tặng, mấy cái bình tông, đài National, ba lô con cóc anh trai đi chống Mỹ mang về, đồng tiền đông dương, vỏ đạn, đồng hồ quả quýt chiến lợi phẩm bộ đội thu về tặng lại, hay khăn xếp, áo dài, tráp để con dấu, bộ ấm chén... của cán bộ cách mạng trước khi dời đi tặng lại cho gia đình. Đến nay, kho tàng “nhỏ” gia đình ông có vài chục món kỷ vật. Với ông, những kỷ vật chiến tranh này như một báu vật của gia đình. Ông chia sẻ, những lớp người tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ sẽ dần ra đi, nhưng những kỷ vật, những câu chuyện, kỷ niệm, hiện vật và anh linh của các Anh hùng liệt sỹ sẽ sống mãi, nhất là khi chúng ta biết lưu giữ những kỷ vật và trân trọng quá khứ. Vì vậy, tất cả những kỷ vật được ông Vĩnh phân loại theo từng nhóm riêng và được cất trang trọng trong tủ gỗ. Ông bảo, ông phải lưu giữ những kỷ vật đó, mong muốn các thế hệ mai sau hiểu thêm về lịch sử và qua đó tưởng nhớ đến những người đã hy sinh, cống hiến cho độc lập của dân tộc.
Một góc của thị trấn Vĩnh Lộc trong ngày tết độc lập.
Mỗi người dân đều vui mừng, tự hào khi mình tự tay cầm lá cờ ra để treo trước cổng nhà mình thật trang trọng vào các ngày lễ, đặc biệt trong dịp Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Lá cờ đỏ sao vàng là biểu tượng thiêng liêng của Tổ quốc, là tinh thần quyết chiến, quyết thắng của dân tộc. Việc treo cờ Tổ quốc trong các dịp lễ, tết không chỉ thể hiện nét văn hóa, lòng yêu nước và tự hào dân tộc mà còn là sự tri ân của chúng ta đối với các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Do đó, cần được giữ gìn và phát huy thành truyền thống và nét văn hóa treo cờ Tổ quốc vào các dịp lễ, Tết./.
Gửi phản hồi