Từ tình yêu đất nước…
Trong kháng chiến chống Mỹ, ông Vịnh tham gia lực lượng thanh niên xung phong của huyện rồi làm lái tàu tại bến phà Chiêm Hóa, từng chở nhiều đoàn cán bộ, bộ đội sang sông làm nhiệm vụ. Ông Vịnh kể, thời chiến giữa sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc nhưng có những hình ảnh đẹp mà có lẽ ông không bao giờ quên. Đó là hình ảnh cô thiếu nữ dân tộc gùi gạo lên cho các chiến sỹ biên cương, hình ảnh người chiến sỹ hành quân... Cùng với đó, mảnh đất quê hương Chiêm Hóa với sông Gâm bóng núi đã thêu dệt trong ông ý tưởng làm những tác phẩm nghệ thuật có thể trường tồn cùng thời gian.
Đất nước hòa bình, cuộc sống với “cơm áo gạo tiền” lại đè nặng trên vai khiến ý tưởng xưa của ông Vịnh chưa thể thực hiện được. Cách đây hơn 20 năm, sau cuộc gặp gỡ với người đồng đội cũ, ông nhất quyết muốn tặng bạn một món quà thật ý nghĩa. Ngồi cặm cụi, tỷ mỷ cả ngày trời cuối cùng ông tặng bạn bức tượng gỗ người lính canh gác từ khúc gỗ lũa vớt trên sông Gâm. Người bạn không ngớt xuýt xoa gợi ý bạn mình sao không tiếp tục làm những sản phẩm đẹp như thế để bán cho những người yêu nghệ thuật.
Ông Nguyễn Quang Vịnh (đứng giữa) được tuyên dương khi tham gia Hội nghị và diễn đàn kết nối cộng đồng doanh nghiệp nhân Tuần lễ Apec tổ chức năm 2017 tại Đà Nẵng.
Quãng thời gian đầu với những tác phẩm từ gỗ lũa cũng đầy gian nan, không ít lần ông trầy da, đổ máu khi mải mê với những mũi đục, đường cưa. Song mỗi khi hoàn thành tác phẩm mới, ngồi ngắm nghía khiến ông quên hết mọi mệt nhọc, lại thêm phấn chấn để hoàn thành những tác phẩm tiếp theo. Những hình ảnh các chiến sỹ bảo vệ biên cương, phong cảnh núi rừng, đất nước... lần lượt được ông tái hiện sinh động và mang đậm “hồn” Việt trên mỗi tác phẩm của mình. Tính đến nay, ông đã hoàn thành được hàng trăm tác phẩm nghệ thuật từ gỗ lũa nổi tiếng, có mặt ở hầu khắp các cuộc triển lãm trong tỉnh và cả nước. Nghề chế tác gỗ lũa cũng là nghề chính mang lại thu nhập ổn định cho gia đình ông.
Đến đôi bàn tay “vàng”
Sở dĩ ông Vịnh chọn gỗ lũa để chế tác những tác phẩm nghệ thuật, bởi đây là một trong những loại gỗ quý và tốt nhất, thách thức thời gian. Nó vốn là những cây gỗ sinh sống ở vùng núi cao như: Gù hương, ngọc am... có tuổi đời hàng trăm năm bị già cỗi chết đi chìm vào lòng đất, lòng sông, bị bào mòn chỉ còn trơ lại phần lõi chắc nịch, khó bị ảnh hưởng bởi mưa, nắng. Đối với những người bình thường khi vớt được những gốc, rễ như vậy chỉ có thể làm củi đun nhưng với những người làm nghệ thuật như ông thì đó thực sự là những “cục vàng mười”.
Từ những gốc cây sần sùi nhiều nốt, nhiều nhánh, bùng nhùng như một đống củi khô thì với đôi tay khéo léo, kiên trì, ông Vịnh đã tạo nên những tác phẩm nghệ thuật thực sự được nhiều người yêu thích, làm ra sản phẩm nào là có khách đến “rinh” đi với giá khá cao. Nắm bắt nhu cầu của người chơi ngày một nhiều, hơn 20 năm trước ông mở xưởng chế tác gỗ lũa. Xưởng của ông chế tác từ những tác phẩm nhỏ như hình cây tam đa, hình ông phúc - lộc - thọ hay lớn hơn là những bộ bàn ghế chạm trổ rồng, phượng, bàn ăn kiểu cổ... có giá trị từ vài triệu đến hàng trăm triệu đồng đã tạo nhiều lựa chọn cho những người yêu loại hình nghệ thuật từ gỗ lũa. Anh Nguyễn Quang Phúc ở quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội cho biết, trong lần đến Chiêm Hóa du lịch anh đã mua cặp “cóc ngọc” của ông Vịnh về trưng trong nhà. Không biết có phải do hợp phong thủy hay không mà từ ngày đấy đến nay công việc buôn bán gặp thuận lợi, mùi hương thơm từ gỗ quý giúp xua đuổi côn trùng rất tốt.
Để có nguồn gỗ lũa cho xưởng mộc, vào mùa lũ ông Vịnh phải chèo thuyền độc mộc ra sông vớt hoặc phải lặn lội lên các vùng núi huyện Na Hang, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang)... mua lại của bà con khi làm nương bắt gặp. Theo ông Vịnh, mỗi khi chế tác các sản phẩm cần tập trung trí lực rất cao, chỉ sai một chi tiết là bao nhiêu công sức đều bỏ xuống sông, xuống bể. Tôi ngồi xem ông Vịnh tỉ mẩn cả buổi chỉ để tạo ra khuôn mặt tươi cười của ông Phúc trong bộ ba phúc - lộc - thọ mà thấy cảm phục độ kiên trì nhẫn nại của ông. Có lòng kiên trì cộng thêm đôi bàn tay khéo léo nên các tác phẩm do ông sáng tác đã toát lên vẻ đẹp và thông điệp muốn gửi gắm. Mỗi năm, từ cơ sở chế tác gỗ lũa của mình, ông Vịnh đã đem lại thu nhập cho gia đình hàng trăm triệu đồng, tạo việc làm cho 5 lao động địa phương với mức thu nhập trung bình từ 6 triệu đồng/tháng trở lên.
Ông Nguyễn Quang Vịnh bên các tác phẩm do mình chế tác từ gỗ lũa.
Ông Vịnh có 3 người con thì 2 người theo nghề của bố và cũng đã có những thành công bước đầu. Anh Nguyễn Đức Vỹ, con trai út của ông chia sẻ, chính từ niềm đam mê được truyền từ bố nên sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự anh cùng về làm xưởng chế tác gỗ lũa với bố. Đến nay, nghề đã ăn sâu vào máu thịt nên trong tương lai anh muốn cùng bố mở rộng cơ sở sản xuất để tạo nhiều việc làm hơn cho những người dân địa phương. Đồng thời, phát triển nhiều sản phẩm độc đáo để góp phần phát triển du lịch của địa phương.
Những tác phẩm để đời
Trong ngôi nhà xây 3 tầng khang trang của gia đình, ông Vịnh trưng bày rất nhiều những tác phẩm, nào là “Ngũ long tứ giá”, “Long tranh hổ đấu”, “Long phượng giao duyên”, “Đất và rừng”, “Phong cảnh quê hương”, “Những chiến sỹ canh gác biên cương”... Ông bảo những tác phẩm này đều do khách hàng đặt làm từ trước. Ngồi ở nhà ông trên những bộ ghế rồng phượng uốn lượn vừa nhâm nhi chén chè shan thơm ngát của Thổ Bình, vừa ngắm dòng Gâm nước xanh biếc chợt thấy lòng thật nhẹ nhõm. Phút ngẫu hứng ông Vịnh đọc thơ:
“Vai em gùi gạo, rau tươi
Gửi anh chiến sỹ biên phòng quê em
Đường đi sỏi đá gập ghềnh
Gió lùa tà áo lả lơi bóng hình”
Ông Vịnh nói, đó là những vần thơ ông mô phỏng cho tác phẩm “Gửi anh chiến sỹ biên phòng quê em” mà ông vừa chế tác xong. Ông là người rất thích làm thơ và thường xuyên tham gia vào các phong trào văn hóa, văn nghệ của thị trấn, của huyện. Ông tích cực đưa các tác phẩm từ gỗ lũa tham gia trong các triển lãm mỹ nghệ, hội chợ khi huyện, tỉnh và Trung ương tổ chức. Năm 2007, các tác phẩm của ông tham gia tại Hội chợ triển lãm ở Giảng Võ - Hà Nội được bình chọn là những tác phẩm xuất sắc. Năm 2010, các tác phẩm “Rồng thiêng dâng ngọc báu”, “Đất nước ngàn năm văn hiến” nội dung mô tả bản đồ Đất Việt và “Thánh Gióng hồi tiên” (Phù Đổng về trời) của ông được đánh giá cao trong dịp trưng bày chủ đề đất nước đón ngày Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Năm 2016, tác phẩm “Kỳ lũa hóa nhân” đoạt giải Vàng tại Hội thi sinh vật cảnh thành phố Tuyên Quang...
Với nhiều đóng góp với nghệ thuật quê nhà, năm 2013 ông được bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Sinh vật cảnh thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Chiêm Hóa. Năm 2015 ông được Ban Chấp hành Trung ương Hội Sinh vật cảnh Việt Nam tặng Bằng vinh danh nghệ nhân, chủ vườn sinh vật cảnh Việt Nam tiêu biểu. Ông từng được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Hiện đã 75 tuổi nhưng với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội Cựu Thanh niên xung phong của thị trấn, ông đã đứng ra tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa cho các hội viên, cùng giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế. Ông Vịnh cho biết, trong thời gian tới ông sẽ từng bước nâng cao chất lượng sinh hoạt của Chi hội gắn với việc nâng cao chất lượng đời sống của các cựu thanh niên xung phong, những người từng có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giải phóng của dân tộc.
Gửi phản hồi