Các học viên lớp kỹ thuật máy nông nghiệp tại xã Nhân Lý trong giờ thực hành.
Tháng 5/2018, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Chiêm Hóa đã phối hợp với UBND xã Nhân Lý tổ chức khai giảng lớp kỹ thuật máy nông nghiệp. Lớp học được tổ chức ngay tại địa phương đã tạo điều kiện cho nhân dân trên địa bàn xã vừa tham gia học tập, vừa làm việc gia đình. Anh Lý Tuấn Hưng, thôn Ba Hai, xã Nhân Lý cho biết, trong thời gian theo học, anh cùng các học viên được tìm hiểu quy trình vận hành máy sản xuất nông nghiệp, trực tiếp tham gia tháo lắp và sửa chữa những chi tiết hư hỏng thông thường của các loại máy kéo công suất nhỏ để phục vụ trong quá trình sản xuất.
Từ việc nắm bắt được nhu cầu tuyển dụng lao động của các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, cũng như giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trong huyện, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Chiêm Hóa đã từng bước đa dạng hóa các loại hình đào tạo nghề, chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ quản lý, giáo viên từng bước đạt chuẩn và trên chuẩn. Hiện nay, Trung tâm đã và đang đào tạo các nghề cho lao động nông thôn tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp, chủ yếu là các nghề như: Trồng cây công nghiệp, trồng cây ăn quả có múi, chăn nuôi gia súc, gia cầm, kỹ thuật chăn nuôi thú ý, May công nghiệp, kỹ thuật xây dựng…từng bước đáp ứng nhu cầu học nghề cho lao động nông thôn. Các lớp dạy nghề còn được đưa về tận thôn, bản để thu hút người học, tạo điều kiện giúp cho người lao động được học tập ngay tại địa phương. Hiệu quả đào tạo nghề được nâng lên, người học nghề đã tiếp cận khoa học kỹ thuật trong sản xuất, tăng năng suất lao động, tạo việc làm tại chỗ, góp phần nâng cao thu nhập cho bản thân và gia đình.
Anh Trần Văn Chính, Giám đốc Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Chiêm Hóa cho biết: Năm 2017, Trung tâm đã mở được 11 lớp đào tạo cho 365 học viên là lao động nông thôn. Sau học nghề, nhiều học viên đã được các doanh nghiệp tuyển dụng, một số lao động tự tạo việc làm tại địa phương. Lao động có việc làm thường xuyên sau đào tạo nghề chiếm tỷ lệ từ 70 đến 90%. Theo kế hoạch, năm 2018, Trung tâm sẽ mở 14 lớp đào tạo nghề cho 490 học viên. Đến thời điểm này đã mở được 5 lớp tại các xã Nhân Lý, Bình Nhân, Hà Lang, Kiên Đài, Xuân Quang.
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo quyết định 1956 của Thủ tướng chính phủ là một chủ trương đúng đắn với một lộ trình lâu dài. Đa số học viên sau khi học nghề đã biết áp dụng kiến thức KHKT được học vào sản xuất, tiết kiệm thời gian, giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, tăng sản lượng, chất lượng, tăng thu nhập, làm giàu cho gia đình và xã hội./.
Gửi phản hồi