Xổ số trực tuyến kiên giang - Nền tảng xổ số trực tuyến uy tín

Sẻ chia trách nhiệm

Hạnh phúc gia đình không phải là đích đến mà là một quá trình. Trên hành trình ấy chúng ta nếm nhiều quả ngọt nhưng cũng đầy những thử thách, gian nan, đòi hỏi mỗi thành viên phải luôn thấy được trách nhiệm của riêng mình. Đó là sự sẻ chia, quan tâm, chăm sóc yêu thương nhau dựa trên sự tôn trọng, bình đẳng để cùng vun đắp mái ấm thiêng liêng.

“Một bàn tay không làm nên tiếng vỗ…”

Tuyên Quang là mảnh đất 22 dân tộc anh em sinh sống với nhiều phong tục tập quán ứng xử trong gia đình. Từng có một thời, khi bước vào nhà chồng, cô dâu Sán Dìu phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy định, phép tắc như: không được ngồi cùng mâm, uống chung ấm với bố chồng; tảo tần với công việc gia đình từ 3 giờ sáng. Phụ nữ người Dao, Mông cũng chịu thiệt thòi từ những quan niệm “trọng nam khinh nữ”, “đàn bà phục vụ đàn ông”… Những tập quán đó tồn tại nhiều năm làm mất đi vị thế của người phụ nữ, bất bình đẳng trong gia đình.

Thời gian qua, nhờ công tác tuyên truyền “mưa dầm thấm lâu”, qua nhiều năm cũng nhờ thay đổi trong nhận thức, phụ nữ từng bước được “giải phóng”, đàn ông người Dao, Sán Dìu, Cao Lan, Mông… đã biết sẻ chia, gánh vác việc nhà cùng vợ con. Tất cả tạo nên luồng gió mới làm đổi thay cuộc sống người dân nơi đây. Bởi mỗi gia đình bình đẳng sẽ là nền tảng cho một cuộc sống gia đình ấm êm, hạnh phúc.

Niềm vui của gia đình anh Bàn Tài Tiến, thôn Cao Phạ, xã Minh Khương (Hàm Yên).

Chị Nguyễn Thị Son, thôn Cọ Sẻ, xã Bằng Cốc (Hàm Yên) nói, thời gian trước chị thường một mình làm mọi việc trong nhà. Sau thời gian được cán bộ Hội tuyên truyền, tham gia sinh hoạt câu lạc bộ, chồng chị đã chia sẻ công việc nhà với chị, như: khi vợ nấu cơm, chồng cho lợn, gà ăn; cả hai cùng chăm sóc, nuôi dạy các con học hành khôn lớn... 

Không chỉ ở đồng bào dân tộc thiểu số, ở một số gia đình người Kinh quan niệm việc nhà là của vợ cũng là phổ biến. Từ xưa đã có câu  “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, nghĩa là nói rằng người chồng là trụ cột trong gia đình, có trách nhiệm lo những việc lớn như kiếm tiền, làm nhà… còn người vợ có vai trò chăm lo việc cơm nước, giặt giũ, chăm sóc con cái.

Tuy nhiên ngày nay quan niệm đó đã lỗi thời trong gia đình hiện đại. Bởi một bàn tay không làm nên tiếng vỗ, cũng như hạnh phúc làm sao khi được xây đắp bởi một người! Nếu chỉ một người lo mải mê làm kinh tế, một người chỉ chăm chăm với công việc “xây tổ ấm”, thì dù cho ngôi nhà ấy có to đẹp và tiện nghi đến mấy cũng khó mà vẹn tròn. Vì vậy, theo chị Hà Thị Mỹ Hạnh, Trưởng khoa Tâm lý học, trường Đại học Tân Trào, vai trò của vợ chồng đều bình đẳng, cùng nhau chăm sóc con cái, làm việc nhà và cùng nhau nỗ lực để có tài chính ổn định cho cuộc sống.

Anh Nguyễn Thế Tuấn và chị Nguyễn Thị Hoa, phường Hưng Thành (TP Tuyên Quang) lấy nhau đã được 15 năm và có cuộc sống gia đình hạnh phúc. Anh Tuấn chia sẻ: “Tôi luôn quan niệm việc nhà là việc chung, các thành viên trong gia đình phải có trách nhiệm gánh vác. Khi vợ chồng, con cái cùng san sẻ làm việc nhà giúp các thành viên gần gũi, thấu hiểu nhau hơn”.

Ngày nay phụ nữ cũng xác định vai trò của mình trong việc “xây nhà”. Không chỉ làm nội trợ, chăm lo cho con cái, các chị đã biết phát huy năng lực để có thu nhập ổn định. Chị Nguyễn Thị Tố Hoa, tổ nhân dân Vĩnh Bảo, thị trấn Tân Yên (Hàm Yên) dù không áp lực quá về kinh tế nhưng khi con vừa đủ tuổi đi nhà trẻ chị cũng xin việc đi làm lại. Chị Hoa chia sẻ: “Phụ nữ thời nào cũng vậy, nếu không cùng gánh vác với chồng và tự chủ thì sẽ thiếu tự tin ngay trong tổ ấm của mình. Đi làm vừa phát huy được năng lực vừa có thêm kinh tế. Dẫu đôi lúc vừa chăm con nhỏ vừa phải đi làm có thể áp lực, mệt mỏi nhưng đổi lại đó là sự trải nghiệm để cùng thấu hiểu vất vả và biết trân trọng nhau hơn.

“Gia đình nhỏ, hạnh phúc to”

Xây dựng gia đình hạnh phúc là một công trình mà chúng ta phải kiến tạo suốt cuộc đời. Công trình đó lâu dài và đòi hỏi mỗi thành viên ngày ngày phải cùng nhau vun đắp bằng tình yêu thương, sự quan tâm chân thành dành cho nhau.

Chị Phúc Thị Xuyên, Phó trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và Gia đình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chia sẻ, hành động thể hiện yêu thương, quan tâm của mỗi người trong gia đình đến từ những điều bình dị, cử chỉ nhỏ bé hàng ngày. Đó có thể là lời hỏi han, động viên tinh thần sau ngày dài học tập, làm việc mệt mỏi. Hay là cả nhà cùng ngồi bên nhau ăn bữa cơm tối sum vầy, cười nói chuyện trò; món quà, lời chúc ấm áp gửi trao trong ngày sinh nhật…

Một bữa cơm gia đình người Nùng tại xã Tiến Bộ (Yên Sơn).

Trong nhịp sống hiện đại vội vã, tất bật, thực trạng của các gia đình hiện đại là “sống nhanh” khiến các thành viên có xu hướng cá nhân hóa, gia tăng khoảng cách thế hệ. Hơn một năm qua, diễn biến của dịch COVID-19 đã có những tác động đến hoạt động thường nhật, thói quen sinh hoạt của hàng triệu gia đình. Nhiều người phải điều chỉnh các hoạt động của bản thân và gia đình để “thích ứng” với dịch bệnh. Song ở một góc nhìn khác, dịch COVID-19 cũng mang đến cơ hội để chúng ta “sống chậm” lại, gắn kết các thành viên trong gia đình, từ đó biết trân trọng giá trị lớn lao của hai chữ “gia đình”.

Chị Hồ Thị Trúc và anh Đỗ Phú Thịnh, xóm 6, Trung Môn (Yên Sơn) thừa nhận rằng, những chuyến công tác, những hợp đồng làm ăn... như cuốn đi và những bữa cơm gia đình thường ít khi có đủ cả hai vợ chồng. Tuy nhiên, sau khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, công ty điều chỉnh kế hoạch làm việc nên cách thức tổ chức cuộc sống cho gia đình nhỏ của anh chị cũng đã có nhiều thay đổi. Hai vợ chồng đã có nhiều thời gian ở nhà hơn trước. Chị Trúc chủ động sắp xếp để vừa làm được việc công ty giao, vừa có thời gian quan tâm, chăm sóc các con. Chồng chị cũng không còn phải đi công tác thường xuyên mà có thêm nhiều thời gian dành cho vợ con hơn.

Chị Trúc chia sẻ: “Những tác hại tiêu cực của dịch COVID-19 là rất lớn, ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội. Song bên cạnh những tiêu cực, chúng ta lại nhận ra được ý nghĩa của “sống chậm”. Đó là niềm vui khi cả nhà cùng nhau nấu một bữa cơm ngon rồi thưởng thức xuýt xoa với món ngon mới lạ, những câu chuyện vui ấm áp tình thân. Và người lớn thấy thú vị biết bao khi cùng con học bài, trồng hoa, trồng rau quanh nhà. Đúng là hạnh phúc gia đình đến từ những điều giản đơn thường nhật mà đôi khi “sống gấp” con người khó cảm nhận được”.

Cuộc sống luôn bắt buộc chúng ta phải đặt ra những thứ tự ưu tiên cho mình. Gia đình cũng nằm trong số đó, chúng ta hãy dành thời gian cho gia đình, có trách nhiệm trong xây dựng tổ ấm. Bởi gia đình là cội nguồn sức mạnh, thành trì quan trọng nhất của mỗi con người để có động lực vươn xa, thể hiện mình ngoài xã hội.

 

Theo TQĐT

Tin cùng chuyên mục