Đây là chương trình nằm trong chuỗi hoạt động thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” (gọi tắt là Đề án 939). Ngày hội có sự tham gia của chủ các mô hình kinh tế giỏi, hợp tác xã, doanh nghiệp do nữ làm chủ. Đây là cơ hội để chị em chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp; giải tỏa băn khoăn về cơ chế, chính sách và bày tỏ mong muốn đến các cấp, các ngành liên quan về vấn đề khởi nghiệp. Qua đó, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, sức sáng tạo của phụ nữ; kết nối giữa các doanh nghiệp do nữ làm chủ với các sở, ban, ngành để các nữ doanh nhân có thêm thông tin, tiếp cận nguồn vốn, nguồn lực hỗ trợ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh
Các cá nhân có kế hoạch khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh có ý tưởng sáng tạo năm 2018 được Hội LHPN tỉnh biểu dương, khen thưởng
Tại ngày hội, các doanh nghiệp, hợp tác xã do nữ làm chủ, hội phụ nữ các cơ sở còn được trưng bày các sản phẩm do chính tay những người phụ nữ làm ra. Đây là cơ hội giới thiệu, sẻ chia kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh đến với người tiêu dùng. Toàn bộ chương trình có 14 gian hàng trưng bày hơn 100 sản phẩm nông sản, đồ thủ công mỹ nghệ, thổ cẩm, hàng may mặc của các huyện, thành phố. Tiêu biểu là: Bánh truyền thống, nón tre đan, trứng gà Tân Tạo, mật ong Phong Thổ, chè Khau Mút, thịt trâu khô, thịt lợn chua, hàng dệt thổ cẩm, bưởi ngọt Xuân Vân... Các gian hàng đã thu hút đông đảo doanh nghiệp, cán bộ, hội viên tham quan mua sắm.
Là một trong những nữ kinh doanh có sản phẩm trưng bày tại ngày hội, vừa là vinh dự, vừa là cơ hội vàng của chị Vũ Thị Sa, thôn 8, xã Trung Môn (Yên Sơn) chủ cơ sở may mặc Phương Sa. Chị cho biết: “Tôi bắt đầu khởi nghiệp từ một quán may nhỏ năm 1999, mới đầu khó khăn chồng chất, thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm, không có nhiều khách hàng. Song, với sự đồng hành của chị em, cùng với chịu khó học hỏi nâng cao tay nghề, tìm hiểu thị trường, xưởng may của tôi từng bước vượt qua khó khăn.
Từ một hiệu may nhỏ, đến nay đã phát triển thành một xưởng may quy mô, với 30 lao động nữ làm việc thường xuyên. Khởi nghiệp 20 năm, đây là lần đầu tiên tôi được trưng bày, giới thiệu sản phẩm chính tay mình làm ra tại một ngày hội lớn. Đây là cơ hội rất tốt cho tôi tiếp cận khách hàng. Tôi rất mong các cấp Hội Phụ nữ có nhiều chương trình như thế này “tiếp lửa” cho chúng tôi từng bước khẳng định bản thân mình”.
Chia sẻ tại buổi giao lưu “Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp tỉnh Tuyên Quang” vừa qua, chị Vương Thị Giáp, Chi hội trưởng chi hội phụ nữ thôn Làng Chắn, xã Hùng Đức (Hàm Yên) cho biết: “Vừa là một cán bộ phụ nữ thôn, vừa đại diện cho những phụ nữ tiêu biểu trong phát triển kinh tế về dự ngày hội, là niềm tự hào, song cũng là trọng trách lớn đối với tôi. Tôi cố gắng tiếp thu các văn bản liên quan đến khởi nghiệp, học hỏi những cách làm hay, ý tưởng khởi nghiệp thành công của các chị em khác về tuyên truyền cho hội viên mình cùng làm”.
Là 1 trong 9 cá nhân được biểu dương có ý tưởng sáng tạo tham gia khởi nghiệp tại ngày hội, chị Hà Thị Sỹ, thôn Tiến Vũ 9, xã An Tường (TP Tuyên Quang) chia sẻ: “Tôi rất vui khi có chương trình khởi nghiệp. Đây chính là cơ hội, tiếp sức cho chị em chúng tôi mạnh dạn, tự tin trong kinh doanh. Tham gia ngày hội, chúng tôi được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm kinh doanh của những chị em khác”.
Có thể nói rằng, ngày hội không chỉ khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, mà còn truyền cảm hứng cho tất cả các tầng lớp phụ nữ tiếp tục phát huy nội lực, nỗ lực phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Đặc biệt, hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh, đẩy mạnh sự phát triển các tổ hợp tác, tổ liên kết, hộ kinh doanh, doanh nghiệp do nữ làm chủ... Đây cũng là cơ hội, động lực giúp chị em ngày càng mạnh dạn, tự tin trong khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình, làm giàu chính đáng.
Gửi phản hồi