Cam chuẩn bị vào mùa thu hoạch tại xã Trung Hà.
Cùng với nhiều hộ gia đình trong thôn Khuổi Đinh, xã Trung Hà, năm 1999, hộ gia đình ông Triệu Văn Đức đã mạnh dạn đầu tư đưa 300 gốc cam vào trồng thử nghiệm trên diện tích vườn đồi của gia đình mình. Từ vốn kiến thức, kinh nghiệm học tập được ở các hộ gia đình khác trong xã, thổ nhưỡng lại phù hợp nên cây cam phát triển rất tốt. Nhờ sự nỗ lực, chăm chút của cả gia đình nên mô hình 300 cây cam của gia đình ông Đức sau 3 năm đã cho thu hoạch vụ đầu và cho năng suất, sản lượng cao, bước đầu trừ chi phí cũng thu về cho gia đình trên 30 triệu đồng. Từ gieo trồng nhỏ lẻ, nhưng đã cho thu nhập khá từng bước ổn định cuộc sống và có thêm vốn phát triển vườn cam lên 2000 cây. Từ năm 2009 trở về đây, mỗi vụ cam đã thu về cho gia đình ông Đức từ 160 đến 200 triệu đồng.
Cây Cam mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nhân dân xã Trung Hà.
Cũng như gia đình ông Triệu Văn Đức, hộ gia đình anh Ma Văn Chiến, chị Chu Thị Hoàn là một trong hộ trồng cam lâu năm với quy mô lớn. Với trên 3000 gốc cam, do đã có kinh nghiệm trong việc chăm sóc, nên cây cam của gia đình phát triển rất tốt. Ngay vụ thu hoạch đầu tiên đã thu về trên 100 triệu đồng. Có thu nhập từ cây cam đã giúp gia đình anh Chiến từng bước ổn định, tiếp tục có thêm vốn đầu tư vào phát triển vườn cam lên tới 5000 gốc. Hàng năm, thu về cho gia đình một nguồn thu nhập lớn trên 300 triệu. Đến nay, sau hơn 10 năm đưa cây cam vào trồng, gia đình anh đã giúp đỡ nhiều hộ gia đình nghèo trong thôn thoát nghèo, từ việc đầu tư giống cam chất lượng cho các hộ gieo trồng, tạo thêm công ăn việc làm cho lực lượng lao động trong vùng
Giống cam mới đang được trồng thử nghiệm cho năng xuất cao.
Xã Trung Hà hiện có 259ha cây Cam, được tập trung vào phát triển ở các thôn Khuôn Pồng, Khuôn Pồng 2, Khuôn Nhoà, Khuổi Hỏi, Khuổi Đinh.. Năm 2010, đoạn đường qua đèo Bụt để vào vùng trọng điểm Cam, lởm chởm đá tai Mèo đã được Nhà nước đầu tư rải nhựa nên đi lại rất thuận tiện, giúp cho bà con nhân dân trong việc giao lưu, buôn bán với thị trường bên ngoài, các loại xe vận tải của thương lái đi vào đến từng hộ gia đình để thu mua cam. Chất lượng cam ngày càng được khẳng định trên thị trường trong và ngoài huyện. Phát triển vùng cam theo hướng hàng hoá ngoài việc đem lại hiệu quả kinh tế, còn tạo ra công ăn việc làm cho một lực lượng lao động không nhỏ theo mùa vụ ở địa phương. Cho đến nay, việc phát triển mô hình trồng cam theo hướng hàng hoá ở xã vùng cao Trung Hà đã thực sự mang lại nguồn thu nhập lớn cho bà con nhân dân, công tác giảm nghèo được đẩy mạnh, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, kinh tế - xã hội phát triển, góp phần cùng chung tay xây dựng nông thôn mới ở địa phương./.
Gửi phản hồi